Thăng Long mở hội - tìm lại dấu xưa qua các điệu múa cổ
15:35, 05/10/2010
Tối 4-10, sân khấu tượng đài vua Lý Thái Tổ tiếp tục rộn rã tưng bừng với chương trình nghệ thuật múa cổ Hà Nội do Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Hội nghệ sĩ múa Hà Nội tổ chức, mang chủ đề "Thăng Long mở hội - tìm lại dấu xưa”. Dù ngay từ khi bắt đầu chương trình trời đã lất phất mưa và có thời điểm mưa khá nặng hạt nhưng công chúng yêu nghệ thuật thủ đô đã ủng hộ hết mình cho các nghệ sĩ và tiết mục múa. Sân khấu rực rỡ, các tiết mục càng như được tiếp thêm "lửa" để sống động, uyển chuyển và tạo không khí vô cùng đặc biệt - một bữa tiệc nghệ thuật dân dã nhưng không kém phần sống động, lôi cuốn.
Chương trình có sự tham gia của hàng trăm học sinh, sinh viên Trường CĐ Múa Việt Nam, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc và các nghệ nhân, diễn viên quần chúng làng Phù Đổng, làng Lệ Mật, làng Chử Xá, huyện Gia Lâm; làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì; Làng Phú Nhiêu, huyện Phú Xuyên, thôn Phú Mỹ, thị trấn Phú Xuyên... NSND Chu Thúy Quỳnh, Tổng đạo diễn cho biết chương trình gồm ba phần: Lửa thiêng Hà Nội mở hội ngàn năm, Những dấu xưa (trình diễn các điệu múa cổ) và màn kết Thăng Long mừng chiến thắng.
Chương trình có sự tham gia của hàng trăm học sinh, sinh viên Trường CĐ Múa Việt Nam, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc và các nghệ nhân, diễn viên quần chúng làng Phù Đổng, làng Lệ Mật, làng Chử Xá, huyện Gia Lâm; làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì; Làng Phú Nhiêu, huyện Phú Xuyên, thôn Phú Mỹ, thị trấn Phú Xuyên... NSND Chu Thúy Quỳnh, Tổng đạo diễn cho biết chương trình gồm ba phần: Lửa thiêng Hà Nội mở hội ngàn năm, Những dấu xưa (trình diễn các điệu múa cổ) và màn kết Thăng Long mừng chiến thắng.
Mở đầu chương trình là màn múa tái hiện thủa hoang sơ của Thăng Long đến khi mảnh đất này sinh sôi, phát triển. Tiếp đó là 12 điệu múa cổ (Múa bài bông của làng Phú Nhiêu (xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên) với nội dung ca ngợi đất nước, cuộc sống lao động, tình yêu đôi lứa; múa lục cúng trong những ngày lễ Vu lan do hòa thượng Thích Quang Hy, trụ trì chùa Minh Quang (quận Đống Đa) và các nhà tu trình diễn; cùng nhiều điệu múa khác: múa trống bồng (làng Triều Khúc); múa trống cổ (làng Phú Xuyên, Hà Tây cũ; múa giảo long (làng Lệ Mật, Long Biên); múa giải oan thích kết...)thể hiện trên sân khấu được coi như là phần xương sống của chương trình. Bằng tình yêu với múa truyền thống, các nghệ sĩ của làng xã đã thể hiện một cách chân thực, thần thái tự nhiên và thăng hoa nhất từng điệu múa cổ.
Múa bài bông |
Theo sử sách, văn bia hay trong các câu chuyện còn lưu truyền tại các làng xã, đất Thăng Long - Kẻ Chợ là đất hội tụ trăm vùng, vì vậy, các làng xã ở đây có nhiều điệu múa. Các điệu múa cổ này không chỉ bắt nguồn từ lao động sản xuất mà còn có xuất xứ từ tôn giáo hay các tích trong dân gian, tạo ra sự phong phú, riêng có của múa cổ Hà Nội.
Chương trình liên hoan múa cổ Hà Nội được coi là chương trình biểu diễn mừng công cho Dự án "Phục hồi và phát triển múa cổ Thăng Long - Hà Nội" do Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đảm nhận bắt đầu thực hiện từ năm 2005 đến 2010. Đây là một dự án quan trọng không chỉ phục vụ cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà khi phục hồi sẽ là tài sản cho thế hệ mai sau.
Múa trống bồng triều khúc |
Múa giảo long - làng Lệ Mật, long Biên |
Nam Hà
Ý kiến bạn đọc