Multimedia Đọc Báo in

Bình hồ lô

16:29, 20/03/2011

Trong tự nhiên, quả bầu (hồ lô) có hai hình dáng đặc thù: loại có thân phình to, cuống dài và loại có hai phần (trên, dưới) phình ra, giữa có eo nhỏ. Cả hai loại bầu này được dân gian ví như hình ảnh của người phụ nữ mang thai nên từ xa xưa quả bầu mang trên mình ý nghĩa biểu trưng của sự sinh sôi.

Con người không chỉ thích dùng quả bầu tự nhiên mà còn sáng tạo ra những đồ dùng mang hình dáng quả bầu với những chất liệu khác nhau như đồng, sắt, vàng, gốm, sứ, đá, xi măng, nhựa tổng hợp. Trong các chất liệu làm bình hồ lô thì gốm sứ là phổ biến nhất và có lịch sử lâu đời nhất. Người đời xưa sớm biết chế tác những bình gốm hình quả bầu để sử dụng.

Bình hồ lô trang trí rồng phượng (đồ gốm Bát Tràng)
Bình hồ lô trang trí rồng phượng (đồ gốm Bát Tràng)

Từ người bình dân đến giới quí tộc đều thích dùng bình hồ lô. Đặc biệt, các vị vua chúa, quí tộc, nho sĩ, sĩ tử đều có thú chơi, sử dụng bình hồ lô. Rượu ngự dụng, rượu vua ban và các tiệc rượu chốn cung đình thường được đựng trong các bình gốm dáng quả bầu. Nếu các bậc vua chúa, quý tộc có bộ sưu tập đồ gốm quả bầu hoa văn, màu men đẹp được làm ra từ các lò thủ công nổi tiếng trong và ngoài nước thì những nho sĩ đời xưa cũng có “bầu rượu túi thơ” để ra dáng “sành điệu”. Để tỏ cho người đời biết thú chơi tao nhã của mình, các nho sĩ không bao giờ cho bầu rượu vào túi vải hay đựng gùi mà thường lấy một dây vải màu đẹp buộc vào eo quả bầu và đeo lủng lẳng trên vai hoặc buộc vào bên hông.

Xuất phát từ thú chơi và nhu cầu sử dụng đó nên các lò gốm nổi tiếng  xưa nay như gốm Bát Tràng, Hương Canh, Thổ Hà, Chu Đậu, Móng Cái, Biên Hòa, Bình Dương... đều chú ý sản xuất loại bình gốm dạng quả bầu. Có nhiều lò gốm ăn nên làm ra ở các địa phương vì được đặt hàng sản xuất hàng loạt bình gốm hình quả bầu để đựng rượu như rượu “Hồng Đào”, rượu “Gò Găng”, rượu Làng Vân... Ở Huế, rượu “Minh Mạng thang” bán chạy chẳng những với lời đồn “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” mà nó còn được đựng trong dáng quả bầu có màu men, hoa văn đẹp. Các loại rượu nổi tiếng của Trung Hoa từ đời xưa cho đến đời nay cũng được quảng bá, tiếp nhận thông qua kiểu dáng của chiếc bầu.

Ấm gốm dáng hồ lô.
Ấm gốm dáng hồ lô.

Bộ sưu tập đồ cổ quí giá ở các bảo tàng nhà nước và tư nhân đều không thể thiếu những bình gốm quả bầu. Trong đồ gốm Chu Đậu, bình quả bầu tuy không nhiều nhưng có kiểu dáng đặc trưng là bầu eo và bầu phình to có cuống. Đặc biệt, có một chiếc bình gốm quả bầu có màu men đẹp, sang trọng thuộc dòng gốm thương mại của Chu Đậu được phát hiện tại con tàu đắm cù lao Chàm là hiện vật độc bản được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (năm 2010 mang sang trưng bày tại Boston, Mỹ). Bảo tàng Quảng Nam cũng có bình gốm quả bầu dạng eo với chi tiết trang trí, tạo nét dáng khá độc đáo, đã từng được mang đi trưng bày tại thủ đô nhân Tuần Văn hóa Quảng Nam tại Hà Nội trong năm 2009. Trong năm 2010, hàng loạt cuộc trưng bày cổ vật như “Tinh hoa gốm Việt” tại Festival Gốm sứ Bình Dương; “Cổ vật Thăng Long” tại Điện Kính Thiên; Triển lãm gốm cổ tại làng gốm Bát Tràng; triển lãm “Những tấm lòng với Thủ đô” tại Cung Hữu  Nghị Việt Xô... chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, người thưởng ngoạn được xem những bình hồ lô cổ xưa và bình hồ lô mới chứa đựng những giá trị, tinh hoa văn hóa của người Việt Nam. Trong bộ sưu tập cổ vật của các thành viên Hội Cổ vật Thăng Long, người xem đặc biệt chú ý tới các bình hồ lô men rạn, men nâu... với kiểu dáng đẹp, xứng đáng là tinh hoa gốm cổ Việt Nam. Tại Triển lãm gốm cổ Bát Tràng năm qua, người xem được thưởng ngoạn bình hồ lô cổ và mới được làm bằng các chất liệu khác nhau, trong đó đáng chú ý là bình hồ lô men đồng, bình hồ lô có trang trí rồng phượng đối xứng hai bên thân bình. Bình hồ lô đựng rượu Làng Vân là bình hồ lô kỷ lục được các nghệ nhân sáng tạo dâng tặng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Tấn Vịnh

 


Ý kiến bạn đọc