Multimedia Đọc Báo in

Festival Âm nhạc dân gian Quốc tế tại Phần Lan:

Âm vang tre trúc Tây Nguyên ở trời Âu

14:23, 31/07/2011
Festival Âm nhạc dân gian Quốc tế được tổ chức tại Phần Lan từ 29- 6 đến 6-7-2011 đã thu hút gần 300 nghệ sĩ, nghệ nhân biểu diễn và chế tác nhạc cụ dân tộc của 9 quốc gia tham dự. Ba nghệ nhân của Dak Lak (gồm Vũ Lân, Trương Ân và Ma Kim) được mời tham dự. NSƯT VŨ LÂN đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với PV Báo Dak Lak xung quanh chuyến đi đầy ấn tượng này:

_ Trong các chương trình biểu diễn tại thành phố Kuhmo và Kajanin-Phần Lan, Đoàn nghệ nhân Việt Nam bao giờ cũng được bạn bè quốc tế quan tâm, đón nhận một cách nồng nhiệt. Cứ sau mỗi tiết mục biểu diễn, chúng tôi không những được tán thưởng bằng những tràng pháo tay kéo dài, mà khán giả còn tìm gặp các nghệ nhân để tìm hiểu về các loại nhạc cụ truyền thống của các tộc người bản địa Tây Nguyên-Việt Nam. Điều đó thật hạnh phúc, bởi một phần vốn văn hóa Tây Nguyên đã được nhiều người biết đến, có sức lan tỏa trong giới nghiên cứu, thưởng lãm âm nhạc dân gian quốc tế.
a
Các nghệ nhân Dak Lak đang chế tác nhạc cụ dân tộc
để giới thiệu với bạn bè và biểu diễn tại Festival.
Trên trang nhất của Báo Kuhmolainen đã đăng bài, ảnh giới thiệu và cảm nhận về sự độc đáo của âm nhạc dân gian Việt Nam dưới tiêu đề “Không dám nhìn vào mắt người nghệ sĩ” của tác giả Uylenski. Tôi nhờ nghệ sĩ nổi tiếng của Phần Lan là chị Kristina Ilmonea dịch sang tiếng Việt và biết được rằng, khán giả Phần Lan đánh giá âm nhạc dân gian Việt Nam qua cung cách biểu diễn của người nghệ sĩ như có “phép thôi miên”. Bài báo có đoạn viết: “Khi xem các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn, không ai dám nhìn vào đôi mắt họ. Bởi trong đó hiện ra sự sôi động, lôi cuốn đến khó cưỡng lại được… khiến người ta như muốn nhào lên để hòa cùng với bàn tay và bước chân ma mỵ của họ”.
k
NSƯT Vũ Lân với tờ Báo Kuhmolainen đăng bài và ảnh về các nghệ nhân Dak Lak biểu diễn Âm nhạc dân gian Tây Nguyên trên trang nhất.
* Chương trình biểu diễn của ba nghệ nhân Dak Lak tại Festival trên cụ thể là gì, thưa NSƯT Vũ Lân?
_ Cùng với đoàn (tất cả có 6 người), ngoài ba nghệ nhân của Dak Lak còn có nghệ nhân hát kể sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” Bùi Văn Lự (dân tộc Mường-tỉnh Hòa Bình) và hai cán bộ ở Viện Văn hóa Việt Nam. Chương trình của đoàn gồm hai phần: diễn tấu âm nhạc và chế tác, giới thiệu nhạc cụ dân tộc của người Ê đê, M’nông gồm các loại kèn ky pá, đing năm, đing tạc tà, ky puốt, đing tút, sáo vỗ (dân tộc Ê đê) và mung ki, nung pá, tưng gơ (M’nông). Ngoài ra đoàn còn tham gia hội thảo chuyên đề về Âm nhạc dân gian và sử thi. Thạc sĩ Vũ Hoàng Hiếu (Viện Văn hóa) trình bày tại hội thảo này tham luận “Môi trường diễn xướng sử thi trong đời sống đương đại”, còn tôi giới thiệu và minh họa “Các nhạc cụ thổi của dân tộc Êđê, M’nông”.
 
Có thể nói, chương trình biểu diễn và chế tác nhạc cụ của đoàn Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu đậm tại Festival lần này. Phần biểu diễn gồm tám chương trình (Hòa tấu ky pá và đing pơng, Diễn tấu H’nung ngba; Đing năm, Sáo lút, Đing puốt, Đing tạc tà; Tưng Gơ và Độc tấu sáo vỗ có đệm đing pá và trống) của tôi, Ma Kim và Trương Ân đã cuốn hút người xem ở hai thành phố Kuhmo và Kajanin của Phần Lan. Cũng là các nhạc cụ thuộc bộ hơi, nhưng biện pháp kích âm không chỉ là thổi, mà còn sử dụng các thao tác diễn xướng như vỗ, gõ, dỗ, dọng… tạo nên những thang âm phong phú, đa dạng hơn. Đặc biệt là tiết mục độc tấu sáo vỗ có đệm đing pá và trống của ba nghệ nhân chúng tôi (ảnh được chọn đăng trên trang nhất Báo Kuhmolainen như đã nói) là sự hòa quyện nhuần nhuyễn cho biện pháp kích âm độc đáo trong việc chế tác và biểu diễn các nhạc cụ dân tộc thuộc bộ hơi của Việt Nam.
D226_ 051.jpg
Ba nghệ nhân Dak Lak biểu diễn tiết mục sáo vỗ có đệm đing pá
và trống tại Festival.
* Về phía nước chủ nhà Phần Lan, tại Festival này, nghệ sĩ có cảm nhận thế nào về âm nhạc dân gian của họ?
_ Trên nền tảng văn hóa du mục, âm nhạc dân gian Phần Lan cũng có những nhạc cụ tương đồng với các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Họ cũng có kèn cọng lúa được chế tác và diễn tấu như kèn Nung pá (M’nông), sáo róc, tù và giống như Đing puốt, Ky pá (Ê đê). Tôi nhận ra rằng, sự kế thừa, phát huy và sáng tạo từ vốn âm nhạc dân gian của họ phải nói là đáng nể. Chẳng hạn, từ kèn cọng lúa (nguyên thủy làm bằng cọng lúa mỳ), các thế hệ nghệ nhân của Phần Lan đã cải tiến dần để sáng tạo nên kèn Klarinet hiện đại. Hoặc như đàn Kantele, nguồn gốc ban đầu chỉ có 5 dây (căng trên một thùng gỗ), đến nay họ cải tiến, nâng cao âm vực lên thành 15, 20… rồi 36 dây. Sự độc đáo của cây đàn này là tất cả đều là dây buông, không nhấn nhá như đàn Tỳ bà, hay đàn Tranh của mình. Cây đàn Kantele được xem là “quốc đàn” của Phần Lan. Cùng với nhạc cụ dân gian tiêu biểu này, sử thi Kalevala là niềm tự hào của họ…
 
* Nghệ sĩ có lưu tâm gì đến việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của Phần Lan?
_ Thật tuyệt vời! Qua tìm hiểu tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng cụ thể: Với cây đàn Kantele, họ đưa vào chương trình dạy từ bậc tiểu học cho đến sinh viên chuyên ngành âm nhạc. Và cứ mỗi bậc học thì được đào tạo kỹ năng diễn tấu từng loại khác nhau, từ Kantele 5 dây cho đến 36 dây. Còn sử thi Kalevala thì được đưa vào sách giáo khoa dạy cho học sinh, sinh viên… tùy theo nhận thức, cảm thụ của từng cấp học. Hàng năm, họ đều xuất bản một số lượng sách khá lớn về sử thi Kalevala để phục vụ nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội.
 
Trong chuyến đi này, tôi cũng được nghe một câu chuyện rất thú vị, rất đáng để học hỏi về việc xây dựng thiết chế văn hóa của họ theo hướng xã hội hóa. Chuyện là cách đây vài năm, chính quyền thành phố Kuhmo - nơi diễn ra Festival Âm nhạc dân gian Quốc tế lần này tiến hành xây dựng Trung tâm văn hóa để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân. Trong quá trình xây dựng thì thiếu vốn, họ liền đưa ra giải pháp là bán ghế ngồi trong nhà hát (có gắn biển họ tên, chức danh và thời hạn sở hữu 10 năm) cho những ai có điều kiện kinh tế khá giả. Thế là không những đủ vốn để xây dựng Trung tâm văn hóa, mà còn thừa tiền để đầu tư cho việc khác. Tôi nghĩ đó là dẫn chứng sinh động nhất trong chủ trương, chính sách xã hội hóa các thiết chế, hoạt động văn hóa của Phần Lan mà chúng ta cần nghiên cứu.
 
* Xin cảm ơn nghệ sĩ Vũ Lân!
Đình Đối (thực hiện)  


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.