Multimedia Đọc Báo in

Liên hoan Văn hóa thiếu nhi các dân tộc tỉnh Dak Lak lần thứ IV-2011:

Ngày hội của tuổi thơ các dân tộc tỉnh Dak Lak

20:50, 30/07/2011
Liên hoan Văn hóa thiếu nhi các dân tộc tỉnh Dak Lak lần thứ IV năm 2011 thật sự là ngày hội của tuổi thơ các dân tộc, là dịp để các em thiếu nhi vui chơi, trao đổi và học tập kinh nghiệm lẫn nhau, thắt chặt thêm tình đoàn kết, đồng thời nhằm giáo dục tình yêu quê hương đất nước, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc mình. Diễn ra trong thời gian ngắn, chỉ với 2 ngày 21 và 22-7 nhưng liên hoan đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng người xem. Tham dự liên hoan lần này có 11 đơn vị với hơn 300 em thiếu nhi đến từ các huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh, thi các nội dung: ca múa nhạc tổng hợp, trò chơi dân gian và ẩm thực nấu ăn… Trong khuôn khổ của liên hoan, Ban tổ chức còn tổ chức cho các em vui chơi miễn phí tại khu vui chơi giải trí - Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh. Đây là hoạt động được Tỉnh Đoàn tổ chức 2 năm một lần nhằm góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền dạy những giá trị âm nhạc truyền thống cho thế hệ trẻ ; tạo sân chơi lành mạnh, thắt chặt tình đoàn kết, giao lưu học hỏi kinh nghiệm... giữa các em thiếu nhi dân tộc trên địa bàn. Có đến xem, thưởng thức những tiết mục độc đáo, mới thấy hết được không khí náo nức, tưng bừng và niềm say mê với âm nhạc dân tộc của các em. 11 chương trình, 44 tiết mục ca múa nhạc tham dự liên hoan được đầu tư, dàn dựng công phu, có đủ những làn điệu dân ca, hát ru quen thuộc, các câu hò, điệu lý… Đặc biệt, các em đã biểu diễn tự tin hơn trước ánh đèn sân khấu với các làn điệu dân ca Tày, Mường, các tiết mục diễn tấu cồng chiêng của đồng bào Êđê… Chương trình biểu diễn của các đoàn như: M’Drak, Krông Pak, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ… đã có nhiều nét mới lạ, đặc sắc trong cách thể hiện nội dung, mang lại nhiều bất ngờ và ấn tượng cho người xem. Nhiều tiết mục biểu diễn không kém phần sinh động và “chuyên nghiệp”, được luyện tập công phu như tiết mục diễn tấu cồng chiêng của Đội chiêng “nhí” huyện Cư M’gar, rất thu hút, bài bản, có nhiều đoạn ngắt, chuyển, đối đáp được kết hợp liền mạch, nhuần nhuyễn. Nếu như đơn vị thị xã Buôn Hồ mang đến liên hoan tiết mục múa “H’zen lên rẫy” uyển chuyển, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên thì đơn vị Krông Pak lại đem đến màn biểu diễn vũ điệu Apsara độc đáo, trên nền nhạc trống baranưng điệu múa Chăm càng thêm say lòng người. Đặc biệt, tiết mục song ca “Ru em” (dân ca Xê Đăng) của đơn vị M’Drak đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả. Không chỉ có được giọng hát trong trẻo, 2 diễn viên “nhí” đã rất tự tin khi đứng trên sân khấu và gây bất ngờ cho khán giả khi hát bằng 2 thứ tiếng tiếng Việt và Xê Đăng, đi kèm với đó là khả năng diễn xuất và đạo cụ phong phú, đã chuyển tải hết cái mượt mà, tha thiết của điệu ru… Qua lời ca tiếng hát, các em đã giới thiệu được nét văn hóa riêng của dân tộc mình một cách say mê và đầy sức thuyết phục.
a
Tiết mục diễn tấu cồng chiêng của đơn vị huyện Cư M’gar tại liên hoan.
Nét mới của liên hoan lần này là bên cạnh các hoạt động văn nghệ, các em còn tham gia các trò chơi vận động mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc như: xe chỉ luồn kim, ném còn, cô Tấm ngày nay, gùi nước lên nương… Ở phần thi này, thiếu nhi của các huyện như: Krông Ana, Ea H’leo… đã có cơ hội thể hiện hết khả năng khéo léo, linh hoạt của mình một cách xuất sắc. Ở giữa các vận động viên thi đấu hết mình, vòng ngoài khán giả hò reo, cổ vũ nhiệt tình, hăng hái, khiến cuộc thi càng thêm hấp dẫn. Cái không khí háo hức hòa mình vào cuộc chơi, nhiệt tình tham gia sôi nổi càng cho thấy niềm say mê của các em trước sức hấp dẫn của các trò chơi dân gian... Bên cạnh đó, hội thi ẩm thực cũng là dịp để thiếu nhi các dân tộc trổ tài “nấu nướng” các món ăn mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Các “đầu bếp nhỏ tuổi” đã làm bất ngờ cho cả khán giả và Ban Giám khảo khi chế biến thành thạo các món ăn truyền thống, mang rõ đặc trưng văn hóa ẩm thực của vùng miền, của dân tộc mình. 21 món ăn được chế biến lên thành phẩm là nét đẹp trong ẩm thực của các dân tộc: Êđê, Tày, Nùng, Thái, Kinh… đang chung sống chan hòa trên cùng một mảnh đất màu mỡ. Chị Phan Thị Như Thủy, Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh, Phó Ban tổ chức cho biết, qua liên hoan, các nét văn hóa truyền thống, văn hóa vùng miền… được các em thể hiện hết sức sinh động, qua đó, tính dân tộc là tiêu chí hàng đầu để đánh giá, tranh tài cao thấp. Liên hoan đã tạo được sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp các em thiếu niên, nhi đồng phát triển toàn diện về thể chất và tâm hồn. Đồng thời, giáo dục tình yêu quê hương đất nước, bắt đầu từ tình yêu với bản sắc, yêu tiếng nói, biết trân trọng vốn văn hóa lâu đời của dân tộc mình. Qua đó, liên hoan đã tạo được một không khí vui tươi, phấn khởi cho các em trong ngày hè, góp phần tăng cường tình đoàn kết, tính cộng đồng cho các em thiếu nhi dân tộc trên địa bàn.
Đỗ Lan
 

Ý kiến bạn đọc