Thịt chuột xông khói của người Cơ Tu
18:41, 30/07/2011
Người Cơ Tu sống dọc theo dãy Trường Sơn xưa kia có tập quán sống du canh, du cư. Kho lương thực chính của họ là tác động, thực vật trong rừng, nên họ vào rừng để săn, bắn, hái, lượm. Khi săn được con thú lớn, người Cơ Tu thường chia đều cho các thành viên trong làng. Tuy nhiên, theo luật tục, người trực tiếp săn, bắt được con thú lớn như nai, heo rừng, sơn dương… thì ưu tiên có phần nhiều hơn và khi bẫy bắt được nhiều chuột rừng, họ dự trữ bằng cách xông khói trên giàn bếp.
Già làng Bríu Nga (47 tuổi), ở thôn Aliêng, xã Ating (Đông Giang – Quảng Nam) kể: “Trước Tết khoảng hơn 1 tháng, người Cơ Tu mang theo sắn khô lên rừng chọn những vị trí thuận tiện để vãi xuống mặt đất nhằm thu hút chuột kéo về ăn ngày càng nhiều và béo mập. Trước Tết khoảng 10 ngày, họ tích cực mang bẫy kẹp lên vị trí này để gài bẫy bắt chuột về dự trữ ăn Tết. Trung bình mỗi người gài khoảng vài trăm bẫy. Mỗi ngày từ sáng họ lên rừng để thu hoạch chuột mắc bẫy. Có người “trúng mánh” được vài chục con chuột một lần đi thăm bẫy…”.
Chuột mang về, phụ nữ Cơ Tu đốt lửa để thui làm lông, rửa sạch và đặt trong cái nia nhỏ xông trên giàn bếp dự trữ nhằm chế biến các món ăn trong ngày Tết hoặc đãi khách quý. Hôm ấy, vào những ngày giáp Tết, Alăng Mơ (75 tuổi), thôn Bốn (xã Ba – Đông Giang) đã đãi chúng tôi món chuột rừng nướng ống nứa tươi. Ông làm sạch hai con chuột và nhét chuột vào ống nứa tươi, sau đó lấy rau môn dóc (a zóc – là loại rau dại mọc rải rác trong rừng, trồng gần giống các loại khoai môn nhưng lá dài và nhỏ hơn) cuộn lại và nhét sâu vào ống để bịt miệng lại và tạo thêm hương vị thơm tho cho món ăn đồng thời cho ít muối vào ống. Sau đó, ống nứa được cầm trở qua trở lại trên bếp lửa để nướng. Sau khi thịt chuột chín, già Alăng Mơ dùng dao tách hai ống nứa để lấy chuột và rau ra. Mùi chuột nướng hòa quyện với rau môn dóc bay ra thơm ngào ngạt. Thịt chuột có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt, xương dòn được chấm với muối tiêu rừng rất hấp dẫn.
Già Alăng Mơ cho biết: Khi xuân đến Tết về, người Cơ Tu hay dùng cách lam để nấu các món ăn. Thức ăn cho vào ống nứa tươi, nướng chín. Không chỉ có cơm lam, chim lam hay cá lam mà món chuột lam (amó horzất) dầu tươi hay xông khói cũng có hương vị rất đặc trưng, hấp dẫn, bất ngờ. Chuột bắt về, người ta làm sạch lông, mổ bụng lấy hết ruột ra ngoài, rửa sạch để ráo rồi treo nguyên con trên giàn bếp, hoặc sắp trên một cái trẹt để trên giàn bếp cho khô. Muốn ăn, chỉ việc lấy xuống, bắt nước sôi ngâm khoảng 15 phút, lấy dao cạo lớp “khói” bên ngoài và rửa sạch. Sau đó tùy món ăn mà chế biến.
Đồng bào Cơ Tu có thể chế biến nhiều món ăn từ chuột rừng xông khói như: hầm đu đủ, xào măng, nấu “giả cầy”, nướng trực tiếp trên than hoa, kho mặn dậy mùi thơm đầy quyến rũ… Cái ngon của các món ăn từ chuột rừng không chỉ giữ được hầu như nguyên vẹn hương vị tự nhiên của “núi rừng” mà còn mang đậm tập quán của dân tộc trên dãy Trường Sơn hoang dã.
Đồng bào Cơ Tu có thể chế biến nhiều món ăn từ chuột rừng xông khói như: hầm đu đủ, xào măng, nấu “giả cầy”, nướng trực tiếp trên than hoa, kho mặn dậy mùi thơm đầy quyến rũ… Cái ngon của các món ăn từ chuột rừng không chỉ giữ được hầu như nguyên vẹn hương vị tự nhiên của “núi rừng” mà còn mang đậm tập quán của dân tộc trên dãy Trường Sơn hoang dã.
Người Cơ Tu thường sử dụng loại thịt chuột xông khói này vào những dịp mưa, lũ. Họ nướng hoặc nấu các món ăn từ chuột xông khói với sắn, gạo, bắp, các loại rau rừng như cải tàu bay, búp chuối… Khi nướng thịt chuột xông khói này, người Cơ Tu nướng bình thường trên lửa than, sau khi chín đem ra đập thịt cho bay mồ hóng dính ở ngoài và để cho thịt mềm hơn. Món này, chấm với muối tiêu rừng rất hợp và ngon.
Món thịt chuột tươi hoặc xông khói thường xuất hiện cả trong các lễ hội của người Cơ Tu như: lễ ăn mừng được mùa (Bhuối Aví), lễ ăn mừng nhà Gươl (Lang tơrí), lễ ăn mừng lúa mới (Chaha roo tơmêê)…
Hòa Vang
Ý kiến bạn đọc