Multimedia Đọc Báo in

Bức tranh “Maja khỏa thân” - kiệt tác nghệ thuật tôn vinh vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ

18:17, 14/08/2011

Nghệ thuật của loài người từ thời cổ đại đến nay đều đặc biệt quan tâm tới đề tài vẻ đẹp  thân thể của người phụ nữ. Hơn thế nữa, chắc chắn đề tài này còn song hành mãi mãi với lịch sử xã hội loài người, bởi vẻ đẹp của con người lúc nào cũng là cái vĩnh cữu và thiêng liêng. Đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật thể hiện thành công đề tài này. Thuộc loại sớm nhất, theo chúng tôi được biết, thì nàng Aphrođis, nữ thần sắc đẹp và ái tình trong thần thoại Hy Lạp cổ đại đã được thể hiện vẻ đẹp tự nhiên của thân thể người phụ nữ khỏa thân một cách hoàn mỹ trong bức tranh Venus ngủ và trong tác phẩm điêu khắc đá hoa cương Venus Milô. Hai kiệt tác này làm rạng rỡ nền mỹ thuật nhân loại và không biết đến bao giờ, các tác phẩm hậu thế mới có thể sánh kịp.

Đó là trường hợp các nhà nghệ sĩ lấy cảm hứng từ một vị thần xinh đẹp, say mê ái tình, nàng Aphrôđis lừng danh. Còn trường hợp chúng tôi muốn đề cập dưới đây, thì cảm hứng mãnh liệt của nhà nghệ sĩ lại được khơi nguồn từ một người bằng xương, bằng thịt ở trần thế, có “lý lịch” một cách minh bạch. Ấy là chúng tôi muốn giới thiệu các bạn bức danh họa Maja khỏa thân của họa sĩ thiên tài người Tây Ban Nha Franxitxcô Gôya.

Danh tính đầy đủ của Gôya là Franxitxcô Gôya y Luxiêntê. Ông sinh ngày 31 tháng 3 năm 1746, tại Tây Ban Nha và mất ngày 16 tháng 4 năm 1828 tại Boócđô, Pháp. Ngay từ buổi thiếu thời, Gôya đã bộc lộ năng khiếu hội họa đặc biệt, đến mức khiến cho nhiều người chú ý giúp đỡ, tạo điều kiện cho anh theo học các trường mỹ thuật ở nhiều nơi, kể cả ở Italia.

Gôya sống và sáng tạo trong thời kỳ lịch sử đầy biến động của lục địa châu Âu đang cựa mình trong bão táp cách mạng để thoát khỏi bóng đêm của những triều đại phong kiến mê muội và lạc hậu. Tuy vậy, với thiên tài bẩm sinh cộng với nghị lực sáng tạo phi thường, ông đã để lại một di sản mỹ thuật lớn lao cho Tây Ban Nha và nhân loại. Uy tín và tài năng đã đưa ông trở thành họa sĩ Hoàng gia, năm 1780 được bầu vào Hàn lâm viện, rồi năm 1785 được bổ nhiệm Phó Viện trưởng Hàn lâm Viện mỹ thuật Tây Ban Nha.

Còn người yêu của Gôya là nàng Công tước thứ mười ba, dòng họ quý tộc Anh, tục danh là Maria Cayettana, thường được gọi là nàng Công tước Anbơ. Đây là người phụ nữ lạ lùng, vừa là khách đa tình trong vũ hội cung đình, trong các phòng khách thượng lưu và cả trong hí trường dân dã, vừa là một nhân vật hoạt động trên vũ đài chính trị, được mệnh danh là “cô gái bình dân Tây Ban Nha”, đứng về phía tự do, dân chủ chống lại triều đình…

Thật hiếm thấy đôi uyên ương nào lại có quá nhiều điểm trái ngược nhau như họ. Gôya là họa sĩ của Triều đình. Nàng Công tước Anbơ lại theo trào lưu tự do, dân chủ, chống lại triều đình. Nhưng họ lại yêu nhau say đắm và mối tình của họ được coi là bất tử.

Giữa bối cảnh nóng bỏng bao biến cố, quân Pháp đã áp sát biên giới để tiến hành xâm lược Tây Ban Nha. Triều đình Tây Ban Nha đã ra lệnh trục xuất nàng Công tước Anbơ ra khỏi Mađrit và có sắc chỉ của hoàng đế câu lưu nàng không thời hạn tới lãnh địa hẻo lánh của nàng, tại miền Sôlina. Gôya đến với nàng, và họ sống bên nhau, bất chấp những khác biệt nhiều khi rất sâu sắc.

 Bức tranh Maja khỏa thân của Franxitxcô Gôya.  (Ảnh chụp lại từ phiên bản)
Bức tranh Maja khỏa thân của Franxitxcô Gôya. (Ảnh chụp lại từ phiên bản)
Nhiều tháng trôi qua, cặp uyên ương sống ở Sôlina trong hạnh phúc của tình yêu, xa hẳn thế giới bên ngoài. Tại đó, Gôya đã vẽ rất nhiều và đã chọn nữ Công tước Anbơ làm người mẫu. Anh vẽ nàng trong rất nhiều ký họa, đưa hình ảnh nàng vào phác thảo những bức tranh lớn, vẽ nhiều chân dung nàng. Sắc đẹp của nàng là nguồn cảm hứng vô tận khiến anh say mê sáng tác. Sau một thời gian khá lâu, anh mới quyết định vẽ nàng khỏa thân. Bức vẽ hoàn thành, hai người vui sướng đặt tên cho nó “Maja khỏa thân” (Trong tiếng Tây Ban Nha, Maja có nghĩa là cô gái đẹp).

Bức tranh “Maja khỏa thân” là một kiệt tác nghệ thuật nổi tiếng thế giới, hiện được treo tại Viện bảo tàng Mađrít. Trong tranh, họa sĩ vẽ mặt trước thân thể cô gái nằm trên giường nệm, nét vẽ hết sức tinh tế và gợi cảm, đúng như nó vốn có ở thân thể Công tước Anbơ, một cô gái được coi là đẹp nhất Tây Ban Nha thời ấy. Từ bức tranh, toát lên vẻ đẹp trong trẻo, thuần khiết đến mức thánh thiện của thân thể người phụ nữ, góp phần làm giàu thêm mỹ cảm cho con người.

Ấy thế mà Gôya lại mang tội.

Ở đất nước Tây Ban Nha thời ấy, chế độ phong kiến trung cổ và đặc biệt là thế lực giáo hội đã tỏ ra rất khắt khe, tàn bạo. Tòa án Giáo hội Thiên chúa giáo (thiết lập từ năm 1183, tồn tại đến năm 1834) đưa bức tranh ra trước tòa, coi đấy là một vật chứng Gôya phạm pháp. Lão công tố viên đã nói trước tòa: “Bức họa “Maja khỏa thân” là một họa phẩm đồi trụy mang tính chất tà dâm dơ bẩn. Đây là một hành động chống đối lại thượng đế, chống lại con người… Gôya, anh phải hiểu rằng vẽ người trần truồng là một tội đáng chết” (1).

Gôya tự bào chữa cho mình. Anh lập luận rằng chính ngay tại trung tâm Thiên chúa giáo là Vaticăng lại có rất nhiều hình tượng người khỏa thân… Để rồi anh kết luận: “Chẳng có gì là xấu xa, cũng không có gì là tục tĩu hết. Tôi đã vẽ nó để ngợi ca và tỏ lòng tôn kính cái đẹp, tôn kính ca ngợi người đàn bà. Và cái đẹp của người đàn bà là một sáng tạo của thượng đế. Sự dâm ô đồi trụy và những điều tội lỗi xấu xa chỉ có trong nhận thức của người xem tranh. Thân thể trần truồng của người đàn bà là tác phẩm của tạo hóa. Còn cái ý thức hổ thẹn về sự trần truồng ấy là sản phẩm của tính gian manh” (2).

Lập luận của Gôya được nhiều người đồng tình. Do áp lực của phái tiến bộ trong Triều đình nên Hoàng gia đã gửi thông điệp yêu cầu Tòa án khoan hồng đối với Gôya, bởi Gôya là tài năng hiếm thấy của đất nước. Và cũng chính ngay tại phiên tòa, Gôya được thông báo việc ông được bổ nhiệm vào chức họa sĩ triều đình…

Thắng lợi của Gôya là thắng lợi của cái chân - thiện - mỹ. Quanh bức tranh nổi tiếng này còn biết bao chuyện thật hấp dẫn mà hậu thế sẽ mãi còn nhắc đến.

Nguyễn Trúc

-------------------

(1) và (2): Xin xem “Bức họa MaJa khỏa thân”, tiểu thuyết của Samuel EDWARDS (nhà văn Mỹ), NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, năm 2001. Trang 325, 326.


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.