Nghệ sĩ “nhí” của buôn làng
Mới lên tuổi 11 đã diễn tấu thành thạo 7 loại nhạc cụ dân tộc bản địa: T’rưng, ky pah, đing năm, đing buốt,ching K’ram (chiêng tre) và cả chiêng đồng K’nah, chiêng Aráp của người Jrai… Đáng nể hơn, từ lúc 4 tuổi đã theo cha tham gia nhiều sô diễn từ Nam ra Bắc và để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng người hâm mộ. Nghệ sĩ “nhí” ấy là Y Thu Êban, con trai út của nghệ nhân Y Thim Byă- người Êđê ở buôn Ea Bông (xã Cư Êbur-TP. Buôn Ma Thuột).
Y Thu độc tấu kèn đing buốt. |
Tôi biết và đã từng “mục sở thị” tài nghệ của Y Thu cách đây khoảng dăm năm, khi cậu bé cùng cha tham gia sô diễn phục vụ cho nhóm bạn của tôi từ Huế vào Buôn Ma Thuột. Lúc đó, Y Thu khoảng 6 tuổi. Khi độc tấu đàn T’rưng, cậu phải đứng trên bục gỗ khá cao mới chơi được, vì còn quá bé. Bài độc tấu của Y Thu là tác phẩm “Mùa hái quả” do nhạc sĩ Hữu Xuân (Trường VH-NT quân đội) ở Hà Nội biên soạn giảng dạy cho sinh viên theo học chuyên ngành piano. "Thế sao Y Thu biết và chơi hay thế?" Tôi hỏi, cậu bé cười hồn nhiên: “Cháu học từ anh trai Y Nanh mà. Anh cháu học ở Học viện âm nhạc Huế”. Hóa ra là thế, nhưng chuyển từ piano sang T’rưng đâu phải chuyện đơn giản? Nhiều người tò mò đặt câu hỏi, không ngờ cậu “luận giải” theo kiểu trẻ con mà rốt ráo vô cùng: “Nghe mãi thành quen. Gõ trên phím piano cũng gống như gõ trên thanh nứa T’rưng thôi. Cái tai phải biết nhiều, không thì khó lắm!”. Nhìn gương mặt lanh lợi, hồn nhiên cùng cái giọng lơ lớ tiếng Kinh của cậu bé khiến ai cũng xuýt xoa, yêu mến. Anh Y Thim nói: “Thằng bé được cái năng khiếu. Anh nó dạy cho từng nốt nhạc đấy và khoảng một tháng sau thì Y Thu độc tấu khá nhuyễn “Mùa hái quả” bằng đàn T’rưng”.
Bẵng đi một thời gian, hôm đầu tháng tám vừa rồi, tôi có dịp trở lại nhà Y Thim chơi. Y Thu có lớn hơn một chút, gương mặt vẫn lanh lợi, đáng yêu như trước. Gặp lại nhau, cậu bé vẫn nhớ: “Chú là nhà báo phải không ạ, bố cháu đi Cư Kuin trưa mới về…” . Nói rồi cậu ta mời tôi lên ngôi nhà dài xinh xắn, rót nước mời khách, chú cháu lại có dịp trò chuyện. Trong câu chuyện hôm ấy, tôi mới biết cậu bé thi đỗ vào khoa piano, Nhạc viện Huế và học được một năm thì bỏ về. Lý do cậu đưa ra thật ngộ nghĩnh: “Nhớ mẹ lắm, vì cháu là con út mà… nên thích ở nhà với mẹ thôi…”. Tôi hỏi cậu: “Bây giờ có thích đi học lại nữa không?”, Y Thu bảo: “Ở nhà đi diễn với bố kiếm tiền về cho mẹ”. Nói rồi nó khoe mới học thêm được bài “Gọi cháu về”, dân ca Êđê. Bài này chơi được trên T’rưng và kèn đinh buốt. Nhìn Y Thu độc tấu điệu nghệ không khác gì bố. Đáng ngạc nhiên hơn là cậu vừa biểu diễn, vừa kể cho tôi nghe sự tích của bài hát và cây kèn đinh buốt. Chuyện rằng: ngày xửa, ngày xưa… có hai bà cháu sống với nhau thân thiết, chan hòa. Một hôm vào rừng hái rau về ăn, người cháu nấu một nồi canh thật ngon cho bà. Khi dọn ra, thấy rau chỉ còn một nhúm, bà nghi cháu mình đói nên ăn bớt, bèn có lời mắng mỏ…
Đứa cháu bị mắng oan, buồn quá bỏ nhà ra đi. Một con trăng, rồi hai ba con trăng trôi qua mà người cháu vẫn không về. Bà nhớ cháu, vượt qua năm rừng, bảy núi đi tìm nhưng không thấy. Người cháu đã chết và linh hồn nó hóa thành ngọn gió, đêm đêm trở về thổi vào những ống nứa dựng bên cầu thang, phát ra những âm thanh du dương trầm bổng như oán trách, giận hờn xen chút tha thiết, vỗ về… Người bà đã lấy những cây nứa ấy làm ra chiếc kèn để thổi cho vơi đi nỗi nhớ nhung về đứa cháu đáng thương của mình. Làn điệu dân ca “Gọi cháu về” và chiếc kèn đinh buốt ra đời từ đó. Giờ đây nó trở thành vốn văn hóa độc đáo và hết sức nhân văn của người Ê đê bản địa. Vốn văn hóa ấy lại thăng hoa dưới đôi bàn tay của Y Thu, một nghệ sĩ được coi là “nhí” nhất ở Tây Nguyên hiện nay.
Tiết mục độc tấu T'rưng của Y Thu luôn thu hút người xem. |
Khi đến Dak Lak, muốn thưởng thức một chương trình văn hóa, văn nghệ của các tộc người bản địa, người ta thường tìm đến với “gánh hát” của cha con Y Thim. Và trong “gánh hát” này, nghệ sĩ “nhí” Y Thu được xem là “con át chủ bài”. Y Thim tâm tình: đi đến đâu, kể cả tham gia các chương trình nghệ thuật có quy mô lớn như “Ngày hội thế giới tuổi thơ” được Bộ VH-TT-DL tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào đầu tháng 6 vừa qua, hay Liên hoan Văn hóa-Nghệ thuật các làng dân tộc thiểu số Việt Nam tại Hà Nội mới đây, những tiết mục do Y Thu biểu diễn đều nhận được sự tán thưởng của mọi người. Đặc biệt độc tấu T’rưng và đing buốt bài “Gọi cháu về” khiến bất kỳ ai khi được xem nghệ sĩ “nhí” này biểu diễn cũng trầm trồ khen ngợi.
Một lần lên Dak Lak công tác, ông Giàng Seo Phử- Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - Miền núi của Chính phủ được xem Y Thu biểu diễn đã bị ấn tượng đến nỗi, tại buổi lên hoan, chiêu đãi khách mời của ủy ban này nhân kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII vừa qua tại Hà Nội, ông đã có lời mời Y Thu ra Thủ đô biểu diễn lần nữa, nhưng đáng tiếc Y Thu không đi được vì bận theo các sô diễn ở TP. Hồ Chí Minh và ở Dak Lak. Tôi hỏi Y Thu có tiếc không? Cậu bé cười nói: “Cháu ra Hà Nội nhiều lần rồi, gặp nhiều người nổi tiếng lắm. Có lần, ông Nguyễn Thiện Nhân - Phó Thủ tướng Chính phủ xem cháu biểu diễn xong, dẫn đi chơi và nói với bố xin Y Thu về làm con nuôi, nhưng cháu không đi, xa mẹ và buôn làng, nhớ lắm”. Năm học mới này, Y Thu vào lớp 6 trường làng. Môi trường sống của cậu bé là người thân, bạn bè trong đội chiêng trẻ buôn Ea Bông (xã Cư Ebur- TP Buôn Ma Thuột) chắc chắn sẽ nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ của thằng bé này lớn lên, đầy đặn hơn để tiếp nối, phát huy vốn văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Ý kiến bạn đọc