Trại sáng tác Văn học hè thiếu nhi:
Nơi bồi dưỡng những mầm non văn học
Mùa hè, bên cạnh những hoạt động vui chơi, giải trí sôi nổi, các em thiếu nhi trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và nhiều địa phương trong tỉnh lại được tham gia vào các trại sáng tác thơ văn để tập sáng tác, bồi dưỡng tâm hồn và phát triển năng khiếu văn chương. Từ những mùa trại này đã góp phần hình thành một phong trào sáng tác trong thanh thiếu niên.
Từ những sáng tác đầu tay...
Đến hẹn lại lên, vào dịp hè, đông đảo các em thiếu nhi yêu thích văn chương tại các huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh lại hăng hái tham gia Trại sáng tác Văn học dành cho thiếu nhi được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột. Tính đến nay, đã là lần thứ 13 trại được tổ chức, tham gia mùa trại năm 2011 có 70 em là học sinh giỏi Văn và có năng khiếu văn chương, từ THCS đến THPT. Kết thúc trại, những tác phẩm có chất lượng của trại viên được in thành sách, lấy tên là Hạ Xanh. Còn tại huyện Cư M’gar, Trại sáng tác Thơ Văn thiếu nhi Núi Hoa mùa hè này cũng đã bước sang năm thứ 16 với 40 trại viên tham dự. Thông thường, mỗi mùa trại diễn ra từ 7 đến 15 ngày. Các em được trao đổi, thảo luận về phương pháp, đề tài sáng tác ở các thể loại: thơ, văn xuôi, truyện ngắn; hướng dẫn về cách sáng tác, khai thác đề tài từ vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, về vùng quê nơi mình đang sinh sống, những cảm xúc, rung động trong cuộc sống... Ngoài các buổi sinh hoạt, giao lưu với các nhà thơ, nhà văn của địa phương, các em còn được đi trải nghiệm thực tế, tham quan các danh lam thắng cảnh trong và ngoài tỉnh, sau đó là dành thời gian để sáng tác tại nhà.
Những mùa trại đi qua đã hình thành nên những gương mặt, cây bút ấn tượng, bắt đầu quen dần với việc thể hiện cảm xúc của mình bằng những tác phẩm có vần, điệu, niêm luật… Song, dễ nhận thấy, ở mỗi trang viết, trước hết, các em đã sáng tác bằng chính tâm hồn ngây thơ, trong sáng của mình. Dù chọn nhiều đề tài, thể hiện bằng các thể loại văn học khác nhau thì sáng tác của các em đã dành nhiều tình cảm thân thương để viết về tình bạn, tình cảm gia đình, những rung động trước tình người và cảnh đẹp của quê hương - nơi mình sinh sống. Đó là những cuộc gặp lúc tình cờ, lúc ngẫu nhiên, những câu chuyện giận hờn trẻ con mà cũng rất hồn nhiên, trong sáng như: “Tình bạn và sự ích kỷ” của Trần Thị Thu Hiền, “Kem ốc quế” (Trần Thị Nhật Lệ), “Tụi mình 17 tuổi rồi ư” (Nguyễn Thị Hậu), “Chiếc xe ba gác tanh mùi cá” (Nguyễn Thị Hồng Nhi)... Bên cạnh đó, cũng có những tác phẩm chứa đầy sắc màu vui tươi, tinh nghịch, trong trẻo của tuổi học trò khiến người đọc không khỏi bật cười trước cái hồn hậu, láu lỉnh rất đáng yêu của các em như: “Tình yêu duy nhất” (Nguyễn Ngọc Nhi, dân tộc Tày). Biết cách thể hiện cảm xúc của mình đã đáng quý, nhiều em còn biết tìm, phát hiện và sử dụng những chi tiết rất khéo léo và linh hoạt, tạo yếu tố bất ngờ cho câu chuyện kể của mình như: Vũ Hương Nam với các truyện “Một lần thử tài”, “Huy chương vàng”… Đặc biệt, sinh ra và lớn lên giữa mảnh đất Tây Nguyên màu mỡ và ấm tình người đã vun đắp trong các em tình yêu thương lớn dành cho buôn, bản, quê hương. Nhiều sáng tác của trại viên, trong đó, nổi bật là trại viên dân tộc thiểu số, mang đậm chất buôn làng Tây Nguyên và những tình cảm yêu thương gắn bó của các em đối với nơi mình đã lớn lên như: “Tình bạn” của Hoàng Thị Mỹ Nương (dân tộc Nùng)…
Đại biểu và trại viên tham dự Trại sáng tác Văn học thiếu nhi tỉnh hè năm 2011. |
Tâm hồn các em được bồi đắp những giá trị nhân văn cao đẹp
Cùng với việc học tập kinh nghiệm về phương pháp sáng tác, các em còn có những chuyến đi thực tế, những trao đổi, góp ý của bạn bè, cùng nhau sinh hoạt và tập sáng tác, cứ như thế, tình yêu văn học vẫn âm thầm chảy cùng với những khát khao sáng tạo của những vần thơ, cây bút “nhí” nhiều sôi nổi, đam mê ghi lại cảm xúc của mình qua từng trang viết. Mỗi mùa trại đi qua, đọng lại trong các trại viên nhiều cảm xúc, rung động và cả những kỷ niệm gắn bó…tất cả sẽ trở thành ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, theo suốt các em sau này khi nghĩ về một vùng đất nơi mình đã sinh ra. Em Lại Thị Ngọc Khánh (lớp 11, Trường THPT Buôn Ma Thuột) tâm sự, đây là năm thứ 2 em tham gia trại nhưng em đã thấy rất rõ sự tiến bộ của mình. Giờ, mỗi khi cầm bút sáng tác, em lại càng biết ý thức hơn về các niêm, luật, vần điệu và những nguyên tắc cần thiết ở từng thể loại. Em cũng biết cách nên làm thế nào để việc chuyển tải cảm xúc của mình đạt thành công nhất. Còn với Nguyễn Đan Thư (lớp 11, Trường THPT Buôn Ma thuột) thì đã là trại viên năm thứ 3 nhưng cảm xúc vẫn còn y nguyên như được dự lần đầu tiên. Bao giờ cũng thế, ban đầu là những buổi làm quen, gặp gỡ, bỡ ngỡ và rụt rè. Rồi cùng nhau sinh hoạt, vui chơi, các trại viên lại chuyền tay nhau hay đọc cho nhau nghe những tác phẩm của mình để bạn bè cùng góp ý…; khoảng cách dường như không còn nữa thay vào đó là sự gắn bó và nhiều tiếng cười vồn vã, sẻ chia. Vào năm học mới là đã bước sang năm cuối cấp rồi, Đan Thư không giấu được nỗi buồn khi sắp phải chia tay với trại. “Song, từ những mùa trại này đã cho em học thêm rất nhiều điều, hiểu về kỹ năng sáng tác, phương pháp xây dựng hình ảnh trong tác phẩm... Và hơn hết, đã bồi dưỡng tâm hồn em biết sống hướng đến Chân - Thiện - Mỹ hơn” – Cô trại viên năm thứ 3 tâm sự. Cùng với đó, tại trại cũng có cả những em mới tham gia lần đầu, như Đỗ Trịnh Quỳnh Lương (lớp 8, Trường THCS Đoàn Thị Điểm) cũng bày tỏ niềm hân hoan, em cho biết: “Dù vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng đây là dịp để em được học hỏi, tập cách sáng tác và trải nghiệm thực tế. Em cũng hồi hộp để học cách ghi lại cảm xúc của mình trên từng trang viết”. Còn em H’ Tý Niê (dân tộc Êđê) lần đầu tiên được tham gia trại Núi Hoa (huyện Cư M’gar) tâm sự: “Trước kia, em sáng tác văn, thơ mang tính bộc phát, hễ khi nào có cảm xúc là viết, nghĩ thế nào thì viết như thế ấy. Đến khi tham gia trại, em mới hiểu thêm về phương pháp sáng tác. Nhưng hơn hết, tham gia trại, hiểu thêm về mảnh đất Tây Nguyên, em thấy thêm yêu mảnh đất này và trân trọng những vốn văn hóa quý của dân tộc mình”. Chị Niê Thanh Mai, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, cho biết: “Khả năng quan sát tinh tế sự vật xung quanh bằng cái nhìn trong trẻo, nhạy cảm đã làm nên những tác phẩm đầu tay của các em. Thơ, truyện của các em chân chất, hồn nhiên, tuy đôi chỗ lời văn còn ngô nghê, chưa thực sự được đầu tư. Nhưng, chính lối diễn đạt nhẹ nhàng, trong sáng để lại người đọc nhiều suy ngẫm và dễ dàng sẻ chia. Bởi cái đọng lại là cái nhìn trong sáng, rất thiếu nhi, ấm áp tình nhân hậu. Trại sáng tác đã tạo ra một môi trường sinh hoạt có tính văn học - nghệ thuật cho tuổi thơ trên địa bàn tỉnh trong mỗi dịp hè về, qua đó tạo một sân chơi để các em được bồi dưỡng, phát triển năng khiếu văn chương”.
Mỗi mùa hè qua, Trại sáng tác ngày càng thu hút đông đảo học sinh tham gia và đóng góp nhiều tác phẩm có chất lượng cao hơn. Trại đã góp phần khơi gợi cảm hứng để các em bộc lộ niềm yêu thương chân thật về một mảnh đất và tình người với nhiều tình cảm gắn bó. Giữa môi trường của văn chương - nghệ thuật, chưa dám kỳ vọng gì nhiều ở những “cây viết trụ cột” trong tương lai nhưng chắc chắn một điều rằng tâm hồn của các em sẽ được bồi đắp thêm những giá trị nhân văn cao đẹp từ những mùa trại này.
Ý kiến bạn đọc