Multimedia Đọc Báo in

Những nghệ nhân Tày, Nùng lưu giữ điệu hát then, đàn tính ở Buôn Đôn

09:14, 05/12/2011

Điệu hát then đàn tính là một trong những nét văn hóa văn nghệ đặc sắc của người Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc. Đối với những người Tày, Nùng di cư vào Tây Nguyên, việc lưu giữ văn hóa đàn tính được xem như giữ hồn của quê hương.

Ông Lương Xuân Khoa ở thôn 5, xã Tân Hòa (Buôn Đôn) năm nay ngoài 60 tuổi nhưng ông đã có hơn 30 năm gắn bó với đàn tính. Ông còn tự tay chế ra những cây đàn tính mang đậm bản sắc dân tộc Tày. Sinh ra ở vùng quê Nà Bon, xã Đại Tiến, huyện Hòa An (tỉnh Cao Bằng), lớn lên theo những điệu hát then, tiếng đàn tính của quê hương, khi mới 23 tuổi ông Lương Xuân Khoa đã mê và theo học đàn tính từ những buổi diễn văn nghệ quần chúng của những lớp cô chú trong làng. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã thuộc các nốt nhạc tính và sử dụng thành thạo nhạc cụ này. Năm 1974, ông đã tự tay trồng cây bầu nậm (bầu tròn) để lấy trái và chế tác thành công cây đàn tính phục vụ cho nhu cầu đàn hát của mình. Ông còn tham gia vào đội văn nghệ của xã và biểu diễn hát then đàn tính trong các dịp giao lưu văn nghệ tại địa phương. Ông kể: “Năm 1974 tôi bắt đầu làm đàn tính, có thời gian gián đoạn do điều kiện kinh tế của gia đình gặp khó khăn. Năm 1991, gia đình tôi đi xây dựng kinh tế mới ở Dak Lak, tại đây tôi mới khôi phục lại việc chế tạo đàn tính và ôn lại việc đàn hát, đến nay tôi đã chế thành công gần 30 cây đàn tính để phục vụ cho sở thích đàn hát của quần chúng, đặc biệt là thế hệ người cao tuổi yêu mến điệu then tính”.

Vừa làm nghề nông, vừa làm nghề mộc nên những lúc thời gian rảnh rỗi ông Khoa mới tranh thủ làm đàn tính. Ông cho biết: “Muốn làm một cây đàn tính phải có trái bầu nậm già (bầu tròn của người Êđê) được phơi khô và bầu phải to bằng cái ấm đựng được khoảng 4 lít nước, một thanh gỗ bằng lăng trắng dài dùng làm cán; một tấm ván gỗ gạo mỏng làm mặt đàn và 3 sợi cước thường dùng câu cá làm dây đàn. Chuẩn bị đủ nguyên liệu và làm liên tục, có thể 3 ngày sẽ hoàn chỉnh 1 cây đàn tính. Hiện mỗi chiếc đàn tính có trị giá từ 450.000 đến 500.000 đồng”.

Không chỉ làm đàn tính, ông Lương Xuân Khoa  còn tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ của người cao tuổi ở thôn, tham gia Câu lạc bộ Văn hóa – Thể thao Hội Người cao tuổi xã Tân Hòa và giao lưu văn nghệ trong các hội diễn của huyện tổ chức. Những điệu tính, lời hát then ông mang đến trong các buổi giao lưu văn nghệ luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe nhất là nghững người con quê hương Cao Bằng đi xây dựng kinh tế mới. “Tiếng lành đồn xa”, ban đầu chỉ người cao tuổi trên địa bàn xã Tân Hòa tìm đến ông đặt làm đàn tính, nhưng sau đó tiếng tăm làm đàn của ông đã lan rộng trong huyện Buôn Đôn. Năm 2009, có một số người cao tuổi ở xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) cũng tìm đến ông Khoa đặt làm đàn.

Tuy vậy, việc lưu giữ hát then đàn tính ở xã Tân Hòa (Buôn Đôn) chỉ mang tính tự phát, theo phong trào mà tầng lớp khởi xướng chủ yếu là người cao tuổi. Ông Lương Xuân Khoa tâm sự: “Thế hệ trẻ bây giờ hầu hết không thích hát then, đàn tính nữa mà chỉ thích âm nhạc hiện đại. Tôi rất lo văn hóa dân tộc, đặc biệt là hát then đàn tính khó có thể phát huy, gìn giữ về sau”.

Bà Nguyễn Thị Hảo biểu diễn tiết mục hát then, đàn tính trong buổi lễ mừng thọ Người cao tuổi ở thôn 6, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn.
Bà Nguyễn Thị Hảo biểu diễn tiết mục hát then, đàn tính trong buổi lễ mừng thọ Người cao tuổi ở thôn 6, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn.
Bà Nguyễn Thị Hảo ở thôn 7, xã Tân Hòa (Buôn Đôn) năm nay đã bước sang tuổi 63 nhưng điệu đàn tính và giọng hát then đặc trưng dân tộc Tày của bà vẫn trong trẻo, ngọt ngào. Mặc dù mới gắn bó với cây đàn tính và hát then gần 7 năm, bà đã 5 lần bà tham gia liên hoan văn nghệ do huyện và tỉnh tổ chức. Bà đã 2 lần đoạt giải tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ và trình diễn trang phục dân tộc tỉnh năm 2006 và 2008.

Là một trong những người cao tuổi khởi xướng và truyền đạt cho thế hệ sau gìn giữ văn hóa then tính, bà thường xuyên tổ chức truyền dạy cho các cụ người cao tuổi trong Câu lạc bộ Văn hóa – Thể thao Hội Người cao tuổi xã Tân Hòa (Buôn Đôn) và thế hệ trẻ yêu thích điệu then. Nhờ tích cực trong việc truyền đạt làn điệu then Tày và đi đầu trong phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương, năm 2009 bà Hảo đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng và phát triển văn hóa. Bà cho biết: “Từ khi tôi tổ chức truyền dạy then tính đến nay, có chị Hoàng Thị Dung, dân tộc Nùng ở xã Cuôr Knia và chị Lương Thị Mậu thuộc làng Tày, xã Ea Wer đã biểu diễn khá thành công và thể hiện được cái hồn của văn hóa then tính”. Sắp tới, chuẩn bị cho giao lưu hát then – ẩm thực các dân tộc phía Bắc vào dịp tháng giêng hằng năm ở huyện Krông Năng, bà Hảo tiếp tục huấn luyện hát then đàn tính cho Câu lạc bộ Hội Người cao tuổi xã Tân Hòa.

Hương Xuân

Ý kiến bạn đọc