Multimedia Đọc Báo in

Triển khai, thực hiện các dự án lâm nghiệp ở Dak Lak: Lộ diện những bất cập (Kỳ 4)

09:35, 30/09/2011
Bài 4: Rừng bị xâm hại nặng nề hơn

 

Trong khi nhiều DN được giao chủ trương, cho phép trồng, quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, nhưng họ đã lợi dụng việc này để trục lợi… khiến những DN thật sự có thiện chí muốn đầu tư vào dự án đang phải “đau đầu” vì đất, rừng của mình bị người dân địa phương và cả dân di cư tự do đua nhau xâm chiếm để chờ đền bù; hoặc mua bán, sang nhượng một cách vô tội vạ…

 Ảnh bên: Đất rừng dự án của các DN bị chặt phá, xâm chiếm vô tội vạ. Ảnh: P.V
Đất rừng dự án của các DN bị chặt phá, xâm chiếm vô tội vạ. (Ảnh: P.V)

“Đục nước, béo cò”
Huyện Ea Súp có 20 dự án được giao đất cho DN trồng rừng và trồng cao su với tổng diện tích hơn 16.784 ha. Trong số đó, hầu như dự án nào cũng đều xảy ra tình trạng chồng lấn, xâm chiếm đất rừng. Theo thống kê của UBND huyện Ea Súp: tính đến tháng 7-2011, tổng diện tích rừng bị phá trên địa bàn huyện đã lên tới hơn 1.820 ha, trong đó tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng phức tạp nhất tập trung ở địa bàn các xã Cư K’bang, Ya Tờ Mốt, Cư M’lan, Ea Bung, Ea Lê…

 

Năm 2009, Công ty TNHH Vinh Hoa được giao 7.776 ha đất rừng tại tiểu khu 202, xã Ya Tờ Mốt để quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện dự án trồng 100 ha cao su. Khi mới triển khai được một phần của dự án thì nhiều diện tích rừng bị lâm tặc chặt phá ồ ạt, có thời điểm chỉ trong một đêm hàng chục ha rừng bị chặt ngã ngổn ngang, khiến công ty không kịp trở tay. Không những thế, nhiều người dân còn đua nhau chiếm đất rừng, trồng cây chờ đền bù. Đến nay, diện tích đất rừng bị xâm chiếm của đơn vị này lên đến 20 ha. Một số diện tích nhỏ thì công ty thỏa thuận đền bù để lấy lại đất, những diện tích lớn đành bất lực. Ông Phạm Văn Phi, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty cho biết: “Lâm tặc hoạt động liên tục suốt ngày đêm, chặt phá rừng xong, họ lại lập tức thả giống cây xuống để buộc công ty đền bù khiến chúng tôi bất lực, do lực lượng bảo vệ quá mỏng. Trước tình trạng đó, công ty đang làm thủ tục xin UBND tỉnh cho phép chuyển đổi thêm một phần diện tích rừng mà đơn vị đã khai thác gỗ tận thu và khai hoang để trồng cao su nhằm hạn chế tình trạng bị mất đất”.

Tình hình xâm chiếm đất dự án còn tồi tệ hơn đối với Công ty THNH Gia Huy trên địa bàn xã Ea Lê (Ea Súp). Được thuê 698 ha rừng tại tiểu khu 248 và 264, xã Ea Lê với mục đích trồng rừng và trồng cao su, nhưng đến nay diện tích đất này của Công ty Gia Huy đã có đến 200 ha bị lấn chiếm. Trước tình trạng đó, công ty đã thỏa thuận hỗ trợ hơn 1,4 tỷ đồng cho một số hộ dân để lấy lại 140 ha. Số 60 ha diện tích bị lấn chiếm còn lại do những hộ xâm lấn đòi hỏi “quá đáng” nên công ty đành…bó tay. Ông Trương Đình Sỹ, Giám đốc công ty tỏ ra bức xúc: “Để thực hiện dự án, chúng tôi phải bồi thường cho những người đi lấy đất của mình là điều phi lý, nhưng cũng đành phải… nhún chứ không còn cách nào khác”. Qua khảo sát trên địa bàn Ea Súp cho thấy, hầu hết các DN thuê đất ở địa phương này đều phải chịu tình cảnh tương tự...

Mặc dù UBND tỉnh chỉ phê duyệt cho DN Phát Đạt thuê đất để trồng rừng và khoanh nuôi bảo vệ rừng, nhưng thực tế DN đã cho san ủi hàng chục ha đất rừng để trồng sắn và cao su.
Mặc dù UBND tỉnh chỉ phê duyệt cho DN Phát Đạt thuê đất trồng rừng và khoanh nuôi bảo vệ rừng, nhưng thực tế DN đã cho san ủi hàng chục hecta đất rừng để trồng sắn và cao su.

Chủ rừng bó tay !
Tình trạng đất rừng dự án của các DN bị chặt phá, xâu xé, lấn chiếm không chỉ xảy ra ở địa bàn huyện Ea Súp, mà hầu hết các DN trên địa bàn toàn tỉnh  cũng đứng trước khó khăn ấy. Công ty TNHH SX - XNK lương thực Bình Dương (Bidofood) thuê 779,8 ha đất rừng tại các Tiểu khu 527, 533 (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) để quản lý, bảo vệ và thực hiện dự án trồng cao su. Từ ngày có quyết định của tỉnh cho DN thuê đất 50 năm, hàng trăm hộ dân các xã Tân Hòa, Krông Na, Ea Wer, Ea Nuôl đã tràn vào khai phá, lấn chiếm đất để sang nhượng hoặc trồng cây chờ đền bù. Còn tại huyện Ea H’leo thì đất rừng dự án của các công ty TNHH Lộc Phát, Đức Hải, Đắc Nguyên…cũng tan hoang vì bị chặt phá, xâm chiếm trái phép. Theo Công ty Cổ phần Đắc Nguyên phản ánh, trong số 544,5 ha đất rừng được thuê tại tiểu khu 16 (xã Ea Sol - huyện Ea H’leo) có hàng chục ha đã được người dân địa phương khai phá trước đó; và công ty cũng đã chấp nhận thỏa thuận đền bù để thực hiện dự án. Song, vì “hám lợi” nhiều hộ dân đã bất chấp sai trái để tiếp tục xâm canh đất trong vùng dự án nhằm “làm giá” với DN. Cụ thể, vào ngày 7-5-2011, có khoảng 25 hộ dân có đất khai hoang 28,8 ha trong vùng dự án của Đắc Nguyên (được công ty khoanh lại đền bù) đã tự ý mở rộng thêm diện tích 16,7 ha để trồng sắn với mục đích tranh chấp quyết liệt với DN để được… đền bù nhiều hơn.  

 

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Dak Lak, trong 6 tháng đầu năm 2011 đã có 234,96 ha rừng ở Dak Lak bị chặt phá. Ông Bùi Tiến Hoàng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ea Súp cho biết: Tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng của các DN diễn ra ngày càng phức tạp vì lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng của họ quá mỏng, thậm chí có một số DN đã làm ngơ trước nhiệm vụ này. Chẳng hạn như Công ty Vinamit được giao quản lý, bảo vệ và phát triển 925,8 ha đất rừng tại tiểu khu 294, 295 (xã Cư M’lan - Ea Súp) trong hơn hai năm qua đã để cho các đối tượng phá rừng ở đây “gọt trụi” hơn 400 ha. Tương tự  6 DN (Công ty Hoàng Gia Phát, Bảo Ngọc, Tấn Hưng, Đại Hưng, Thái Dương và Công ty TNHH trồng rừng 27-7) có dự án trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn các xã Ea Bung, Ia R’vê với diện tích lên tới 3.300 ha cũng đã buông lỏng nhiệm vụ được giao (hay nói đúng hơn là những điều đã cam kết với chính quyền địa phương) để cho rừng bị tàn phá gần một nửa. Được biết, sau khi các DN được giao đất rừng, Sở NN-PTNT đã có văn bản hướng dẫn thực hiện một số yêu cầu trước khi thực hiện dự án, trong đó có yêu cầu phải xây dựng cụ thể phương án quản lý, bảo vệ rừng trên diện tích được giao; cấm mọi hành vi, phương thức xâm hại tài nguyên rừng trong vùng dự án. Tuy nhiên, các DN chưa triển khai hoặc triển khai rất chậm nên dẫn đến tình trạng rừng bị chặt phá, lấn chiếm ngày càng nhức nhối thêm. Theo ông Nguyễn Đình Toản- Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp thì muốn làm tốt công tác này, cần có sự phối hợp thường xuyên và có trách nhiệm giữa DN và chính quyền địa phương mới mong đất, rừng trong vùng dự án được bảo vệ và phát triển hiệu quả hơn.

Vừa qua, Bộ NN - PTNT cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Dak Lak,  trong đó đề nghị UBND tỉnh thống kê, đánh giá đúng thực trạng diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm, xử lý dứt điểm các điểm nóng về phá rừng; về lấn chiếm, mua bán, sang nhượng đất rừng; khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến gỗ trái pháp luật. Cần tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi diện tích đất rừng bị phá, lấn chiếm trái phép tại các địa bàn trọng điểm giao lại cho chủ rừng để phục hồi rừng. Tuy nhiên, tìm hiểu căn nguyên sâu xa của tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng ở các dự án thì thấy: do người dân các địa phương trong vùng dự án thiếu đất sản xuất. Khi dự án của DN bắt đầu khảo sát, người dân lo sợ mất hết đất sản xuất nên đã nhảy vào xâm chiếm đất để canh tác, vì thực tế quỹ đất của một số địa phương dành để bố trí đất sản xuất cho người dân cũng rất hạn chế. Từ đó thấy rằng, lợi ích từ việc giao rừng cho các doanh nghiệp chưa thấy đâu nhưng nó đã gây khó khăn cho việc quy hoạch quỹ đất ở các địa phương, đụng chạm đến lợi ích của người dân. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải giải quyết rốt ráo bài toán lợi ích để dung hòa được quyền lợi giữa các DN với người dân địa phương.

Nóng bỏng chuyện tranh chấp đất rừng

Không chỉ có tình trạng người dân xâm lấn đất của các dự án gây bất ổn an ninh rừng ở Ea Súp, việc tranh chấp, khiếu nại về đất rừng giữa DN và người dân cũng đang là chuyện thời sự “nóng bỏng” cần giải quyết dứt điểm. Điển hình là vụ tranh chấp đất rừng giữa các hộ dân với DN tư nhân Phát Đạt ở xã Cư M’lan (Ea Súp).

Hiện tại, hàng chục hộ dân ở đây đang gửi đơn đến các cơ quan chức năng kêu cứu vì đã bị thu hồi hết đất sản xuất để giao cho doanh nghiệp. Thay mặt cho các hộ dân có đơn khiếu nại, ông Tạ Ngọc Tân, Trưởng thôn 5 xã Cư M’lan bức xúc: “Đất này là do người dân chúng tôi tự khai hoang từ năm 2001 đến 2003 để sản xuất trồng trọt, và đây cũng là diện tích đất duy nhất để chúng tôi canh tác nuôi sống cả gia đình. Đến nay khi đất đã thuần thục thì hà cớ gì lại thu hồi để giao cho DN Phát Đạt? Việc UBND huyện ra quyết định thu hồi đất vì lý do “lấn chiếm trong diện tích đất của doanh nghiệp” là không đúng thực tế. Bởi chúng tôi đã canh tác trên diện tích này từ nhiều năm nay, trong khi đó DN Phát Đạt chỉ mới được cho thuê đất từ năm 2008…”.

Một điều cũng đang khiến người dân bức xúc là DN tư nhân Phát Đạt đã cho san ủi hàng chục ha đất rừng để trồng sắn và trồng cao su. Trong khi đó, điều khoản để DN này được duyệt dự án thuê đất là để… “trồng rừng và khoanh nuôi bảo vệ rừng!”.

 

Nhóm PV Kinh tế

Bài cuối: Người trong cuộc nói gì?                                                              
[links()]


Ý kiến bạn đọc