Multimedia Đọc Báo in

Kỳ tích của những người bảo tồn voi

08:21, 06/05/2018

Khi mới cứu chú voi bé bỏng, gầy gò từ trong rừng về, nhiều chuyên gia cho rằng rất khó để nó có thể sống sót dưới bàn tay chăm sóc của con người. Nhưng với nỗ lực không mệt mỏi của những người làm công tác bảo tồn voi, chú voi ấy nay đã lớn khôn.

Mới đây, trong cuộc điện thoại trao đổi về công tác bảo tồn voi, nghe tôi hỏi về tình hình voi Gold, ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi đã nói như reo: “Voi Gold đã tự tìm kiếm thức ăn và không phải uống sữa bột nữa rồi!”. Là một người may mắn được làm việc thường xuyên với Trung tâm, được cập nhật tình hình của voi Gold từ những ngày mới cứu hộ trong rừng về đến nay, tôi hiểu được niềm vui của những người làm công tác bảo tồn voi. Những nỗ lực không mệt mỏi của họ đã đền đáp - bởi khi mới đưa voi Gold về nhiều chuyên gia nghi ngại về khả năng cứu hộ thành công vì nó còn quá nhỏ.

Một ngày cuối tháng 3-2016, Trung tâm Bảo tồn voi nhận được tin báo có một con voi rừng con rơi xuống giếng của lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh. Những cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi tức tốc lên đường để cứu hộ voi con. Dưới cái nắng của rừng khộp mùa khô, chú voi đực hai tháng tuổi lạc mẹ khát sữa yếu ớt cất tiếng gọi đàn. Sau khi cứu được voi Gold lên khỏi giếng, Trung tâm đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia về voi quốc tế đều có chung nhận định: Phải đưa voi về với mẹ của nó, nếu giữ lại nuôi sẽ khó lòng sống được vì còn quá nhỏ.

Voi Gold gần gũi, thân thiết với nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi.
Voi Gold gần gũi, thân thiết với nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi.

Để đưa voi con trở về với mẹ, các nhân viên Trung tâm đã bất chấp nguy hiểm, bám theo đàn voi hoang dã. Sau đó dựng một chiếc chuồng tạm nhốt voi con ở khu vực đàn voi rừng thường qua lại. Sau những nỗ lực đưa voi con về với đàn bất thành, Trung tâm phải đưa voi về nuôi dưỡng trong sự lo lắng. Những cuộc điện thoại trao đổi về phương án chăm sóc voi Gold liên tục diễn ra giữa Trung tâm Bảo tồn voi quốc tế, mọi diễn biến của voi từ ăn, uống, đi lại đến chất thải đều được các bên trao đổi  thường xuyên để đưa ra phương án chăm sóc phù hợp. Trung tâm Bảo tồn voi cắt cử 5 người thay phiên nhau ngày đêm chăm sóc voi Gold, thực đơn của Gold lúc này là sữa bột dành cho em bé, cứ khoảng hai tiếng voi Gold lại uống sữa một lần. “Những ngày đầu, voi nhớ mẹ nên buồn bã và thường cất tiếng gọi. Mọi người phải thay nhau vuốt ve, âu yếm, cưng nựng như em bé để trấn an tinh thần cho voi con”, anh Phan Phú, nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi nhớ lại.

Được nâng niu chăm sóc với chế độ đặc biệt, voi Gold dần dần thích nghi và phát triển thể chất tốt. Voi Gold đều tăng cân, có tháng tăng đến 20 kg. Càng lớn, voi Gold càng nghịch ngợm, những lần được cho ra khỏi  chuồng để dạo chơi, chú lục lọi, khám phá đủ thứ, nhưng thích nhất là kéo cửa khu nhà ở của các nhân viên, chui vào đó lục lọi hết chỗ này đến chỗ khác, kéo đổ hết những vật dụng trong căn nhà. Voi Gold cũng được ưu tiên xây dựng bể bơi, khu vui chơi để được thoải mái phá phách, khám phá. Thực đơn của Gold cũng được bổ sung một số loại trái cây, đặc biệt là chuối. Khi Gold biết dùng vòi lấy chuối cho vào miệng nhai ngấu nghiến khiến những nhân viên chăm sóc sung sướng đến rơi nước mắt. Bởi nếu voi Gold lớn lên mà không biết tự tìm kiếm thức ăn thì… thất bại, vì như thế chẳng khác gì “gà công nghiệp”. Để dạy cho Gold cách tìm kiếm thức ăn, Trung tâm Bảo tồn voi đã dành 10 triệu đồng/tháng để thuê một con voi cái về làm “bảo mẫu”... Sau hơn một năm, đến nay voi Gold đã có thể tự tìm kiếm thức ăn và không còn phải uống sữa.

Nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi huấn luyện một số  kỹ năng  cho voi Gold.
Nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi huấn luyện một số kỹ năng cho voi Gold.

Cuối tháng 4, cánh rừng khộp của Trung tâm Bảo tồn voi được những cơn mưa đầu mùa tưới tắm, cây rừng đâm chồi, nảy lộc xanh tươi. Dưới tán rừng, đàn voi 5 con của Trung tâm nhởn nhơ dạo chơi, tìm kiếm thức ăn. Trong số những con voi cao lớn, lực lưỡng bước đi thì voi Gold (2 tuổi) với thân hình khiêm tốn, nghịch ngợm, thỉnh thoảng đưa vòi lên, khều khều với lấy những lá cây non cho vào miệng nhai nhóp nhép. Mắt chú sáng rực, hào hứng khi tìm thấy những loại thức ăn yêu thích được các nhân viên Trung tâm cố ý dấu ở dưới gốc cây, hay đám lá khô. “Đây là cách mà các chuyên gia nước ngoài áp dụng để voi con không đánh mất bản năng tìm kiếm thức ăn, vì nếu con người cứ mang sẵn thức ăn cho voi con lâu ngày nó sẽ không còn biết cách tìm kiếm thức ăn”, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Nguyễn Công Chung cho biết.

Nhìn voi Gold ngày một lớn lên, đĩnh đạc sải bước dưới tán rừng khộp kiếm ăn, tôi thầm cảm ơn những cán bộ, nhân viên bảo tồn voi đã không quản ngại khó khăn để chăm sóc, nuôi nấng cho Gold. Chính những nỗ lực của họ đã làm nên một kỳ tích, để chú voi con ở Bản Đôn không chỉ là lời một bài hát, mà đang hiện hữu trên quê hương nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.

Ghi chép của Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.