Miếu thờ CADA - "Địa chỉ đỏ" ở huyện Krông Pắc
Nằm ở xã Ea Yông (huyện Krông Pắk), đã từ lâu Di tích lịch sử quốc gia Miếu thờ CADA là một trong những "địa chỉ đỏ" của tỉnh Đắk Lắk. Đây là nơi ghi dấu lịch sử trong những năm đầu cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương của thực dân Pháp và cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Tại đây, thực dân Pháp đã cho xây dựng Đồn điền CADA, ra sức bóc lột và đối xử tàn nhẫn với công nhân. Trong bối cảnh đó, giai cấp công nhân đầu tiên đã được hình thành tại đồn điền này và giác ngộ cách mạng.
Miếu thờ CADA được xây dựng trong đồn điền. Công nhân và nhân dân khu vực đồn điền ra sức đấu tranh để đưa Miếu thờ CADA thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng, cũng là nơi gặp gỡ, trao đổi, giao lưu những thông tin cách mạng. Đây cũng là nơi tổ chức kết nạp đảng viên, đoàn viên, là nơi sinh hoạt của các tổ chức như chi đoàn thanh niên, công đoàn, đội tự vệ mật trong những năm kháng chiến chống Pháp.
Miếu thờ còn là nơi diễn ra một số cuộc họp Chi bộ Đảng đồn điền CADA trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, là nơi đặt hộp thư liên lạc, giao nhận nhiệm vụ, báo cáo của cơ sở cách mạng ở đồn điền CADA.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là những năm tháng chiến tranh, di tích bị phá hủy nghiêm trọng. Đến năm 2009, toàn bộ khu di tích đồn điền CADA được đầu tư trùng tu, nhiều hạng mục được xây dựng, làm mới như nhà trưng bày, sân vườn, miếu thờ… Đến năm 2012, Miếu thờ CADA được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Hiện nay, Miếu thờ CADA đã được tôn tạo lại, nằm trong một khuôn viên rộng rãi, thoáng mát và trang nghiêm. Di tích trở thành điểm đến lịch sử có ý nghĩa trong các tour du lịch đến Đắk Lắk.
Một số hình ảnh về Miếu thờ CADA:
Mặt trước Miếu thờ CADA quay ra hướng Đông |
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhiều lần miếu bị phá hủy nhưng sau đó đã được trùng tu |
Tuy không mang nhiều giá trị về kiến trúc nhưng Miếu thờ CADA lại có ý nghĩa lịch sử quan trọng |
Điểm đặc biệt của Miếu thờ CADA chính là cây đa ở phía sau khuôn viên di tích |
Bên trong thân cây chính là mảnh tường cũ của địa điểm mà năm xưa mà các công nhân, nhân dân, cán bộ, chiến sĩ cách mạng đầu tiên tại đây sinh hoạt, liên lạc và hoạt động cách mạng. |
Trải qua bao năm tháng, những mảnh tường di tích này đã được rễ cây đa bọc lại và bảo quản trong chính thân cây |
Những rễ cây đa tự uốn thành hình vuông góc với bức tường di tích còn sót lại |
Đây cũng là nơi mà người dân trong vùng có một niềm tin về sự linh thiêng của Miếu thờ CADA. |
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc