Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi

17:38, 11/11/2011

Đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 11-11-2011 đều đồng tình việc cần thiết ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

 

a

Ảnh minh hoạ (L.N)

Lý giải về sự cần thiết ra đời của Luật, báo cáo của Chính phủ cho biết: việc ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, xác định rõ cơ quan quản lý nhà nước và nội dung quản lý về bảo hiểm tiền gửi để đạt hiệu quả tốt hơn; từ đó tăng cường niềm tin cho người gửi tiền, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, củng cố việc cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức tín dụng.

Về một số điểm còn có ý kiến khác nhau tại phiên thảo luận, trong đó có đối tượng áp dụng Luật, theo báo cáo của Chính phủ và đa số đại biểu, chỉ bảo hiểm tiền gửi đối với người gửi tiền là cá nhân, bởi đây là đối tượng thiếu thông tin và hiểu biết về tổ chức nhận tiền gửi. Còn đối với các tổ chức, pháp nhân (nhất là các doanh nghiệp) thì tiền gửi chủ yếu nhằm mục đích thanh toán, mặt khác các tổ chức thường có thông tin để lựa chọn tổ chức nhận gửi tiền an toàn. Đối với loại tiền được bảo hiểm, dự luật quy định chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi là đồng Việt Nam (VNĐ). Theo báo cáo của Chính phủ, chính sách quản lý ngoại hối của quốc gia nào cũng hướng tới mục tiêu chỉ sử dụng đồng nội tệ của quốc gia đó trên lãnh thổ của mình. Chính sách ngoại hối của Việt Nam cũng nhằm bảo đảm trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng VNĐ. Vấn đề bảo vệ tiền gửi là ngoại tệ và vàng của dân với tư cách là tài sản đã được quy định tại nhiều văn bản khác về ngân hàng. Đối với số tiền chi trả bảo hiểm, dự Luật không quy định mức chi trả tối đa là 50 triệu đồng cho các khoản tiền gửi của cá nhân tại một tổ chức tín dụng (như Pháp lệnh), mà mức chi trả sẽ do Thủ tướng quy định tùy từng thời kỳ theo đề nghị của NHNN. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần xác định hạn mức chi trả bảo hiểm ở mức gấp khoảng 5 lần GDP bình quân đầu người hiện nay (150 triệu đồng). Về quản lý nhà nước  trong bảo hiểm tiền gửi, nhiều đại biểu đồng ý với dự thảo Luật khi để NHNN thành lập và quản lý. Ngoài ra, Chính phủ sẽ quy định UBND các cấp có trách nhiệm phối hợp với NHNN trong việc thực hiện quản lý bảo hiểm tiền gửi địa phương.

Phát biểu kết luận về dự Luật Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu các ý kiến, chỉ đạo Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và sẽ tiếp tục báo cáo trình Quốc hội xem xét thông qua tại một kỳ họp khác.

Theo Chinhphu.vn

 


 


Ý kiến bạn đọc