Multimedia Đọc Báo in

Phải bảo hiểm cho nông nghiệp!

22:47, 22/04/2010

Sâu bệnh gây hại, hạn hán hoành hành cộng thêm giá cả giảm sút, bấp bênh…đã khiến đời sống sản xuất của người nông dân thật sự gặp khó khăn. Hiện chưa có con số thống kê chính xác Dak Lak thiệt hại bao nhiêu do những tác động bất lợi trên gây ra. Song, ngành nông nghiệp của tỉnh đã ước tính phải mất vài nghìn tỷ đồng mới có thể hồi phục được tình hình. Hơn thế, theo ngành nông nghiệp đặt ra vấn đề lúc này không phải là chuyện tiền nong, được mất bao nhiêu, mà điều cốt tử vẫn là sự toan tính làm sao để người nông dân yên tâm với đồng áng, nương rẫy…, từng bước xác lập một nền sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, không lo âu và thấp thỏm trước những “sự cố” xấu xảy ra.

Để đạt được mục tiêu đó thì việc bảo hiểm cho nông nghiệp cần phải được quan tâm đầu tư và triển khai trên các phương diện: cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng như nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực này. Vấn đề bảo hiểm cho nông nghiệp thật ra không mới, một số tỉnh thành ở phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long đã áp dụng từ nhiều năm qua cho một số mặt hàng nông sản như lúa gạo, cây ăn quả…, và nhờ thế mọi rủi ro trong sản xuất của người nông dân được chia sẻ thông qua hợp đồng bảo hiểm cụ thể thay vì hỗ trợ tình thế, khoanh nợ, xóa nợ một cách bất đắc dĩ. Nhưng đối với địa bàn Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng thì “câu chuyện bảo hiểm cho nông nghiệp” xem ra còn khá xa lạ với người dân, mặc dù ai cũng biết họ đang sở hữu, gắn bó với nhiều loại cây trồng mũi nhọn và chiến lược, có diện tích cũng như sản lượng hàng hóa làm ra hằng năm khá lớn như cà phê, cao su, tiêu, điều, bắp đậu… Theo đánh giá của ngành nông nghiệp và Hội Nông dân Dak Lak, số hộ có hợp đồng tham gia bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn đến nay vẫn là con số O tròn trĩnh (!) Và tỷ lệ này sẽ không được cải thiện nếu như không có một chính sách, cơ chế đầu tư kèm theo của chính quyền địa phương. Theo đó, sẽ càng không thực hiện được loại hình bảo hiểm đặc biệt này nếu như các doanh nghiệp không ghé vai gánh vác một phần.
Còn nhớ, cách đây vài năm, Bảo Việt Dak Lak đã chấp nhận “dấn thân” đứng ra bảo hiểm cho đàn bò ở M’Drak và một số trang trại nuôi gà ở thành phố Buôn Ma Thuột. Nhưng rồi sau đó không lâu, các hợp đồng nhanh chóng được chấm dứt do nhiều nguyên nhân, trong đó nổi cộm lên vấn đề ý thức của người tham gia bảo hiểm và trách nhiệm, khả năng của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Về phía người nông dân, họ ngại bỏ ra một khoản kinh phí đóng cho đơn vị bảo hiểm mà chỉ khi nào gặp “sự cố” mới được đền bù. Tâm lý ấy trở thành lực cản kìm hãm bước chân tìm đến với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này. Ngược lại, đối với các doanh nghiệp đều có nhận thức rằng, đây là lĩnh vực ẩn chứa quá nhiều rủi ro; nếu đặt tiêu chí kinh doanh phải có lãi thì thật sự không ai muốn nhảy vào (trừ khi vì mục đích kích thích, xây dựng và phát triển xã hội của địa phương buộc doanh nghiệp phải tham gia). Vì thực tế cho thấy bảo hiểm nông nghiệp chưa bao giờ là “mảnh đất béo bở” cả và không đem lại lợi nhuận cao so với những lĩnh vực khác.
Rõ ràng vấn đề bảo hiểm nông nghiệp ở đây đang gặp phải những khó khăn khó vượt qua. Nhà nước, hay ít nhất là chính quyền địa phương phải sớm có chính sách, chủ trương cụ thể như: định chế tài ràng buộc lẫn nhau trong ký kết hợp đồng, giảm thuế suất, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp mạnh dạn tham gia kinh doanh trong lĩnh vực còn nhiều bất trắc, rủi ro này. Đồng thời ở khu vực nông thôn, nơi có hầu hết đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp cần khuyến khích tinh thần hợp tác tích cực, huy động mọi nguồn lực của các tổ chức, xã hội đóng góp, tạo nguồn quỹ bảo hiểm cho nông nghiệp với nhiều hình thức phù hợp với đặc thù và tình hình sản xuất của từng địa phương nhằm đóng vai trò “bà đỡ” cho người nông dân, hoặc tập thể sản xuất nông nghiệp khi gặp rủi ro. Làm được như vậy, chắc chắn người nông dân, nhất là nông dân ở các vùng sản xuất chuyên canh và trọng điểm sẽ bớt đi gánh nặng lo toan trong quá trình tái đầu tư cho sản xuất nông nghiệp vốn đối mặt với nhiều thách thức, bất ổn như hiện nay.

Phương Đình

 


Ý kiến bạn đọc