Mỹ muốn VN vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương
Mỹ ngỏ ý muốn Việt Nam tham gia chính thức Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một cơ chế hợp tác khu vực có thể tác động gia tăng nhanh chóng thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Phó Đại diện Thương mại Mỹ, Đại sứ Demetrios Marantis trao đổi với báo chí chiều 10-6 tại Hà Nội |
Phó Đại diện Thương mại Mỹ, Đại sứ Demetrios Marantis trao đổi với báo chí chiều 10-6 tại Hà Nội, nói: TPP sẽ giúp loại bỏ trở ngại trong chuỗi cung, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường của nhau “rẻ hơn, dễ hơn và nhanh hơn”. TPP với 4 thành viên sáng lập gồm New Zealand, Singapore, Chile, Brunei và 4 nước khu vực đang đàm phán tham gia cơ chế TPP mở rộng gồm Australia, Mỹ, Peru và Việt Nam. Hồi tháng 3 vừa qua, 8 nước đã khởi động vòng đàm phán đầu tiên về TPP tại Melbourne (Australia). Việt Nam đã tham gia vòng đàm phán với tư cách "thành viên liên kết" trước khi quyết định có tham gia TPP như một thành viên chính thức. Đại sứ Demetrios Marantis đang ở thăm và làm việc tại Việt Nam đã gặp gỡ với Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát, đại diện Bộ LĐTB và Xã hội… Ông Marantis nói trong tiến trình 15 năm bình thường hóa quan hệ, thương mại và kinh tế đã trở thành trọng tâm dẫn dắt mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam. Sau Hiệp định thương mại song phương (BTA), việc Việt Nam gia nhập WTO, ông Marantis cho rằng TPP sẽ là cơ chế giúp Mỹ và Việt Nam ngày càng gắn kết với nhau và tăng tính cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới. Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ rất lạc quan về triển vọng đầu tư ở Việt Nam, đã có 23 công ty của Mỹ đang có mặt tại Việt Nam để tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh theo chương trình của Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN. Điều này thể hiện mối quan tâm của công ty Mỹ với thị trường Việt Nam. TPP là ý tưởng về một khu vực tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương, được kỳ vọng trở thành một khuôn khổ thương mại toàn diện chất lượng cao. Các ý kiến cho rằng việc tham gia hiệp định này sẽ tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội đưa các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Theo VietNamNet
Ý kiến bạn đọc