Multimedia Đọc Báo in

Đàm phán FTA giai đoạn 2011-2020: hướng tới mục tiêu tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi thương mại toàn cầu

10:16, 18/03/2011
Tại Hội thảo “Các hiệp định thương mại tự do (FTA) và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam giai đoạn 2011-2020” do Văn phòng Chính phủ vừa tổ chức, các đại biểu đã thống nhất nhận định: trong giai đoạn mới, phải đạt những yêu cầu cao hơn cho mục tiêu đàm phán FTA.

Theo số liệu từ Văn phòng Chính phủ, sau 15 năm tham gia ASEAN, khu vực này đã trở thành đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam, vượt qua cả 2 đối tác lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Năm 2010, nhập khẩu từ ASEAN đạt khoảng 16,4 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước; xuất khẩu sang thị trường này đạt 8,3 tỷ USD, chiếm  11,5% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. ASEAN đã trở thành  thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của nước ta.
a
Cần những cải tiến về công nghệ xsản xuất, chế biến để nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa

Bên cạnh đó, thông qua các hiệp định thương mại tự do của ASEAN với các nước đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, New Zealand, hàng xuất khẩu của Việt Nam đang được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế quan. Theo cam kết, từ năm 2010, Trung Quốc và Hàn Quốc đã bỏ tới 90% số dòng thuế nhập đối với hàng hoá của ASEAN. Con số này cũng đạt khá cao ở  các thị trường Úc, New Zealand, Ấn Độ …

Theo Bộ Công thương, trong giai đoạn 2011-2020, mục tiêu của đàm phán các FTA được đặt ra vẫn là thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu. Các nhiệm vụ cụ thể sẽ hướng vào việc cải thiện cán cân thương mại, ứng phó với các bất lợi trong quá trình tự do hoá thương mại, tăng cường quan hệ, hợp tác song phương, đa phương, tạo cơ hội thuận lợi cho sự chuyển hoá nhanh của đất nước.

Tuy nhiên, theo nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan thì tình hình hiện nay đã khác trước khá nhiều, chúng ta đang xây dựng chiến lược trong một thế giới có nhiều biến động. Do đó, Việt Nam cần phải xác định những thị trường nào thực sự tiềm năng để tiến hành đàm phán, và việc đàm phán cần có sự tham gia góp ý của các doanh nghiệp. Hiện nay vấn đề  thiết yếu đặt ra đối với hàng hoá của Việt Nam không phải là thị trường, mà là tính cạnh tranh, nghĩa là hàng hoá của Việt Nam phải tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu thì mới mong mở rộng quy mô sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, chứ không phải là việc thu hút được những dự án có giá trị bao nhiêu. Bên cạnh đó, cũng cần phải xác định được thế mạnh của nước ta trong thời gian tới để thu hút các đối tác, bởi vì thời của nhân công giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên dồi dào đã qua... Do vậy, phải xác định cho được thế mạnh trong thời gian tới của nước ta là gì?

Ông Phạm Quang Lực, Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp (Văn phòng Trung ương Đảng) cho rằng: mục tiêu của nước ta đến năm 2020 là cơ bản sẽ trở thành nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vì vậy, chúng ta cũng nên chọn các đối tác có thể đáp ứng được nhu cầu này.  Ông Nguyễn Đình Hoàn, Vụ hợp tác quốc tế (Văn phòng Chính phủ) lưu ý: tình hình thế giới hiện nay đã khác trước rất nhiều, do vậy, trong đàm phán không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đạt được những lợi ích cao nhất. Tiếp thu những ý kiến đóng góp nêu trên, ông Phạm Văn Phượng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận định: 15 năm qua,  quá trình gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực, các diễn đàn đã tạo ra những tiền đề quan trọng cho Việt Nam trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là  kết quả bước đầu, thời gian tới Việt Nam cần phải tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi thương mại toàn cầu. Đó mới chính là mục tiêu mà chiến lược đàm phán FTA cần hướng tới trong giai đoạn 2011-2020.

(Nguồn: VnEconomy)

Ý kiến bạn đọc