Multimedia Đọc Báo in

Cán bộ an ninh hết lòng với đồng bào Mông

09:01, 12/06/2018

Được phân công phụ trách địa bàn có đông người Mông sinh sống từ năm 2004, Đại úy Hàng A Trừ, cán bộ Đội An ninh, Công an huyện M’Đrắk luôn tâm niệm phải luôn “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) để hiểu, giúp đỡ người dân tạo dựng đời sống no ấm, giữ gìn an ninh trật tự cơ sở.

Địa bàn 5 xã  Đại úy Trừ phụ trách khá phức tạp về an ninh trật tự; trình độ dân trí thấp, người Mông lại có tập quán du canh du cư…, nên “nóng” tình trạng vượt biên trái phép và phá rừng làm nương rẫy. Song với lợi thế biết tiếng Mông, anh Trừ đã bám địa bàn, bám dân, đặc biệt theo sát các đối tượng có những biểu hiện sai lệch để kịp thời tuyên truyền, vận động, cũng như có biện pháp uốn nắn.

Đại úy Hàng A Trừ (bìa phải) trao đổi nghiệp vụ cùng đồng nghiệp.
Đại úy Hàng A Trừ (bìa phải) trao đổi nghiệp vụ cùng đồng nghiệp.

Có những thời điểm, do nhẹ dạ, cả tin, bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, bà con người Mông  đã “rồng rắn” bỏ đi khỏi địa phương, anh Trừ phải kiên trì vận động, thuyết phục suốt thời gian dài để họ quay lại. “Vào năm 2011, hơn 100 người Mông ở xã Cư San bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ tham gia hoạt động thành lập “Vương quốc Mông” ở huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) và ở Lào. Nhờ thực hiện “3 cùng” với bà con, tôi đã sớm phát hiện sự việc. Lúc đó, một mặt tôi tranh thủ sự tác động của anh em, họ hàng những người có ý định bỏ đi để động viên họ quay lại. Mặt khác, tôi động viên anh em người Kinh trong tổ công tác phải gần gũi, tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người Mông để vận động đồng bào bỏ những tập tục lạc hậu, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, chấp hành   nghiêm những quy định pháp luật của Nhà nước…

Đại úy Hàng A Trừ ân cần thăm hỏi đồng bào Mông.
Đại úy Hàng A Trừ ân cần thăm hỏi đồng bào Mông.

Trong cách nói chuyện  với bà con phải thật mộc mạc, dễ hiểu thì người dân mới tin và nghe theo”,  Đại úy Trừ nhớ lại. Với cách làm trên, những năm qua anh Trừ và đồng đội trong Đội An ninh đã giúp cho nhiều người Mông ở huyện M’Đrắk hiểu rõ âm mưu của kẻ xấu, từ bỏ ảo vọng về “Vua Mông tự trị” mà các đối tượng phản động đã vẽ ra để kích động, xúi giục…

 

Đại úy Hàng A Trừ là một cán bộ an ninh mẫn cán, được nhân dân tin yêu. Không chỉ sâu sát tình hình ở cơ sở để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hoạt động gây mất an ninh trật tự, đồng chí còn tích cực vận động quần chúng tham gia  bảo vệ an ninh Tổ quốc…, là một điển hình trong phong trào thi đua ái quốc và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”.

Thượng tá Nguyễn Văn Tiếp, Phó Trưởng Công an huyện M’Đrắk

 

Không chỉ cùng chính quyền địa phương vận động người dân đi khỏi địa phương trở lại ổn định cuộc sống, 15 năm làm công tác an ninh, được phân công phụ trách các địa bàn có đông đồng bào Mông, Dao sinh sống như xã Krông Á, Cư San, Đại úy Trừ cùng đồng đội ở Đội Phong trào và Đội An ninh Công an huyện M’Đrắk còn bám sát cơ sở để giải quyết nhiều việc phức tạp khác như: đồng bào di cư tự do ồ ạt đến phá rừng chiếm đất làm nhà, làm rẫy, lấy gỗ bán; kịp thời ngăn chặn người dân sử dụng súng săn, súng kíp bắn giết thú rừng; vụ việc người dân tranh chấp đất đai…

Với mong muốn góp sức giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nơi vùng quê mới; đồng thời cũng để “rỉ tai” tuyên truyền, giải thích giúp người dân hiểu cái đúng, cái sai, từ đó nâng cao được nhận thức về những hành động của mình nên anh Trừ không nề hà giờ giấc hay thời tiết để gần gũi, sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. Chị Vàng Thị Súa, ở thôn 8 (xã Cư San) tâm sự: “Với chúng tôi, anh Trừ không chỉ là cán bộ gương mẫu mà còn như người nhà. Có việc lớn, việc nhỏ bà con đều kể cho cán bộ Trừ nghe”.

Với những nỗ lực, cố gắng trong công tác, từ năm 2004 đến nay, Đại úy Hàng A Trừ vinh dự được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ Công an, UBND tỉnh, Công an tỉnh… Nhờ sự đóng góp thầm lặng của Đại úy Trừ mà trong nhiều năm qua tình hình an ninh trật tự trong vùng đồng bào Mông ở huyện M’Đrắk được giữ vững, xóm làng bình yên, người dân yên tâm lao động sản xuất.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.