Cảnh giác với các hoạt động lôi kéo, kích động của tổ chức khủng bố "Triều đại Việt"
“Triều đại Việt” là một tổ chức do các đối tượng nguyên là thành viên của tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” thành lập vào tháng 1-2018, đặt trụ sở tại Canada.
Vừa qua, Bộ Công an đã ra thông báo “Triều đại Việt” là tổ chức khủng bố. Vì sao xác định đây là tổ chức khủng bố, các đối tượng tham gia tổ chức này đã phạm tội gì theo quy định pháp luật Việt Nam?
Từ lúc thành lập và đi vào hoạt động, “Triều đại Việt” được nhận định là một “tổ chức phản động lưu vong”, nhưng hiện nay, với những hành vi vi phạm hết sức nghiêm trọng, đã đủ căn cứ để xác định đây là một tổ chức khủng bố. Căn cứ Nghị định số 122/2013/NĐ-CP ngày 11-10-2013 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, Bộ Công an đã công bố rộng rãi thông tin về tổ chức khủng bố “Triều đại Việt” và lý lịch 4 kẻ cầm đầu tổ chức này.
Đối tượng cầm đầu Ngô Văn Hoàng Hùng. (Ảnh: Internet) |
Trong 2 năm qua, tổ chức “Triều đại Việt” đã triển khai nhiều hoạt động khủng bố, phá hoại, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia Việt Nam. Qua mạng xã hội, số đối tượng cầm đầu ở bên ngoài từng bước tiếp cận, tác động đối tượng trong nước để liên lạc, chuẩn bị phương tiện vũ khí, kế hoạch khủng bố, phá hoại, kích động biểu tình gây rối an ninh trật tự... Trang web và các kênh truyền thông của tổ chức này gồm: “Triều đại Việt”, “Free Bibet”, “Hoàng Kỳ”, “Giải độc chính trị”, “Việt Nam today”, “Việt tự do”, “Radio tiếng nói quốc dân”, “Scott Huynh”, “Jeffrey Thai”, “Tin tức hàng ngày TV24”.
Tổ chức khủng bố này hoạt động dưới sự chỉ huy, điều hành của các đối tượng gồm: Ngô Văn Hoàng Hùng (quốc tịch Canada, tự xưng là “Tổng tư lệnh”), Trần Thanh Đình (quốc tịch Đức, tự xưng là “Phó Thủ tướng”), Ngô Mạnh Cương (quốc tịch Pháp, tự xưng là “Tổng cục trưởng Tổng cục đặc nhiệm”) và Huỳnh Thanh Hoàng (quốc tịch Mỹ, tự xưng là “phát ngôn viên”). Điều dễ nhận biết là các đối tượng này đều đang định cư ở nước ngoài, chúng dùng các thủ đoạn và lợi ích về vật chất nhằm hô hào, kích động, xúi giục, lôi kéo, tài trợ cho những người đang sống ở Việt Nam thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Với hứa hẹn cho tiền, phong chức quyền nếu lật đổ được chế độ, “Triều đại Việt” đã lợi dụng, lôi kéo gần 100 người tham gia trong 2 năm qua.
Với chủ trương hoạt động là tiến hành bạo động vũ trang để lật đổ chế độ ở Việt Nam với phương châm “Đốt sạch”, “Giết sạch”, “Phá sạch”, “Cướp sạch”, lấy cờ ngũ sắc làm quốc kỳ, ý đồ của chúng thành lập các “mật cứ” tại khu vực biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia để vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ vào trong nước; hỗ trợ tiền, chỉ đạo số cơ sở trong nước mua sắm vũ khí, chế tạo bom, mìn hoạt động khủng bố phá hoại; kích động người dân xuống đường biểu tình, bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền. Đồng thời, bọn chúng cũng ráo riết triển khai các hoạt động móc nối, phát triển lực lượng, thành lập các “căn cứ” ở trong nước để cất giấu vũ khí, chế tạo thuốc nổ, nhằm tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia. Để phát triển lực lượng, chúng triệt để sử dụng các tiện ích trên không gian mạng, đặc biệt là YouTube, Facebook, đăng tải các video, clip, live stream tuyên truyền nội dung phá hoại tư tưởng, đánh trúng tâm lý, nhu cầu của một bộ phận người dân có bức xúc cá nhân hoặc túng thiếu về tài chính nhằm móc nối phát triển lực lượng vào trong nước. Thực tế là chúng đã gửi hàng chục nghìn USD, hàng trăm triệu đồng cho số đối tượng trong nước mua sắm vũ khí, chế tạo bom, mìn, may cờ, in truyền đơn, khẩu hiệu phản động. Những hành vi “khủng bố” và những thiệt hại thực tế mà chúng đã gây ra từ năm 2018 đến nay ở nhiều tỉnh thành trong cả nước (TP. Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang, Bình Phước…) là rất rõ ràng.
Theo quy định pháp luật hình sự hiện hành, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định cụ thể về “Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” tại Điều 113 như sau:
“1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Bên cạnh đó Bộ luật Hình sự hiện hành còn quy định về “Tội khủng bố” (Điều 299) và “Tội tài trợ khủng bố” (Điều 300) với hình phạt rất nghiêm khắc.
Đặng Công Nhật Thuận
(Học viện Chính trị khu vực III)
Ý kiến bạn đọc