Multimedia Đọc Báo in

Từ 20-7, thực hiện công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát công tác an sinh xã hội

15:59, 04/06/2011

Ngày 2-6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/2011/QĐ-TTg quy định việc công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội, gồm: Bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế; trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; ưu đãi đối với người có công; vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện và cơ sở bảo trợ xã hội; các chương trình xã hội.

Theo Quyết định này, kể từ ngày 20-7-2011, các đối tượng gồm cơ quan quản lý nhà nước; cá nhân, hộ gia đình, tập thể được thụ hưởng từ quy định pháp luật về an sinh xã hội; cơ quan, tổ chức, cá nhân tài trợ cho các hoạt động an sinh xã hội và cơ quan thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về an sinh xã hội hoạt động trong lĩnh vực an sinh xã hội phải công khai các nội dung là quy định pháp luật về an sinh xã hội; điều kiện, tiêu chuẩn của đối tượng thụ hưởng; hồ sơ, quy trình, phương pháp lựa chọn đối tượng thụ hưởng, thời gian thực hiện; danh sách đối tượng, thứ tự ưu tiên, mức được thụ hưởng… Tùy vào điều kiện thực tế, việc công khai của các đối tượng được phép lựa chọn trong 7 hình thức công khai sau: công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; niêm yết tại trụ sở làm việc; thông báo bằng văn bản đến các chủ thể có liên quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có); cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thời gian công khai, minh bạch ít nhất là 05 ngày kể từ ngày thực hiện.

Việc thực hiện công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát là nhằm bảo đảm công tác an sinh xã hội được thực hiện ngày một hiệu quả, kịp thời và chính xác hơn. Ảnh minh họa: K.O

Công tác kiểm tra được thực hiện bởi thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội; cơ quan, tổ chức thực hiện việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân. Việc kiểm tra được tiến hành dưới hình thức kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy định tại Quyết định này. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiểm tra phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra cho người có trách nhiệm kiểm tra; giải trình về những vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm tra; đồng thời, thực hiện kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm tra và chấp hành các quyết định xử lý kết quả kiểm tra.

Được biết, việc công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội nhằm đảm bảo tổ chức thực hiện các quy định này đúng mục đích, đúng đối tượng; ngăn chặn những sai phạm và phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu đầy đủ, chính xác về mục đích, ý nghĩa, nội dung quy định pháp luật; đối tượng thụ hưởng, thứ tự ưu tiên; trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội. Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát còn nhằm nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội; phòng ngừa vi phạm pháp luật và xem xét, đánh giá hiệu quả việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội; theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện, đảm bảo tính chính xác, kịp thời và hiệu quả.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.