Tình mẫu tử qua một bài thơ
Trắng trong
Đôi làn môi con
Nghiêng về vú mẹ
Như cây lúa nhỏ
Nghiêng về phù sa
Như hương hoa thơm
Nghiêng về ngọn gió
Đôi làn môi con
Ngậm bầu vú mẹ
Như búp hoa huệ
Ngậm tia nắng trời
Sữa mẹ trắng trong
Con ơi hãy uống
Rồi mai khôn lớn
Con ơi hãy nghĩ
Những điều trắng trong.
Lâm Thị Mỹ Dạ
Lời bình
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã từng có nhiều bài thơ viết về chiến tranh, về tình yêu rất hay như Khoảng trời - hố bom, Anh đừng khen em… Bên cạnh đó, hồn thơ đôn hậu, giàu cảm xúc này cũng có nhiều thi phẩm đứng vững được trong lòng bạn đọc khi viết về tình mẫu tử: Nghĩ về con như biển, Trái tim sinh nở, Chùm quả cho con. Trắng trong là bài thơ nằm trong mạch cảm xúc thiêng liêng về tình thương bao la của mẹ đối với con thông qua một nghệ thuật liên tưởng, so sánh rất tài hoa của tác giả.
Trong vũ trụ, mọi vật đều có những tương quan khắng khít để tồn tại và sinh trưởng. Qua cái nhìn của nhà thơ về những mối tương quan đó, mẹ và con vẫn là mối tương quan chính yếu nhất, thiêng liêng nhất mà tạo hóa đã dành tặng cho con người. Vẻ đẹp sinh nở và nuôi dưỡng con trẻ lớn khôn muôn đời nay đã nguồn cảm hứng cho tất cả các loại hình nghệ thuật. Với nhà thơ, qua mấy dòng thơ ngắn gọn mà chắt lọc, cô đúc về hình ảnh đã giúp cho người đọc phát hiện ra vẻ đẹp trường tồn của sự sống: “Đôi làn môi con/Nghiêng về vú mẹ/Như cây lúa nhỏ/Nghiêng về phù sa/Như hương hoa thơm/Nghiêng về ngọn gió”. Động từ “nghiêng” được lặp đi lặp lại nhiều lần như một khẳng định tất yếu về cội nguồn của sự sống, mà khởi đầu là hình ảnh “Đôi làn môi con/Nghiêng về vú mẹ”. Con hướng về mẹ để tìm sự sống và nhận được sự che chở yêu thương trong đời. Mẹ là ngọn nguồn, là khởi thủy để con lớn khôn mỗi ngày. Một hình tượng thơ chân thật và cảm động hiếm thấy. Phải có một trái tim nhân hậu, giàu tình thương đối với con thì tác giả mới phát hiện được và ghi lại cảm xúc một cách chân thành mà sâu sắc đến thế. Hình ảnh nối tiếp hình ảnh, ngôn từ vẫy gọi ngôn từ, cứ thế mạch bài thơ trôi chảy không ngừng nghỉ trên nền tảng của sự liên tưởng, so sánh hết sức tinh tế của tác giả. Đôi làn môi con nghiêng về vú mẹ như cây lúa nghiêng về bãi bờ phù sa, như bông hoa thơm nghiêng về ngọn gió như một quy luật của vũ trụ để làm nên sự sống vĩnh hằng.
Ở khổ thơ thứ nhất, nhà thơ phát hiện sự sống cuộc đời, sự trường tồn vĩnh cửu của mọi vật thông qua sự tương giao, khát vọng hướng tới như một lẽ tất yếu. Đến khổ thơ sau, một sự tan hòa, giao cảm để vươn tới khát vọng đó hiện diện thật cụ thể từ “Đôi làn môi con/Ngậm bầu vú mẹ/Như búp hoa huệ/Ngậm tia nắng trời”. Khổ thơ ngắn gọn mà chắt lọc, tinh tế qua vẻ đẹp của hình tượng ngôn ngữ, tác động trực tiếp vào tâm hồn người đọc. Thường không nói trực tiếp, vẻ đẹp thơ ca phải đi từ hình tượng, những liên tưởng và so sánh bất ngờ. Trong bài thơ Nghĩ về con như biển, Lâm Thị Mỹ Dạ cũng đã dùng hình tượng biển và sóng để khái quát về tình thương yêu của người mẹ đối với con:
Mẹ là bờ cát con tìm
Dạt dào lòng mẹ triệu nghìn sóng con
Bài thơ có một bố cục mà chúng ta thường gặp qua thơ ca truyền thống. Khi ru con, những bà mẹ bao giờ cũng nựng con bằng những lời lẽ yêu thương thắm thiết. Mẹ thủ thỉ tâm tình với con, mơ ước điều tốt đẹp sẽ đến với con sau này trong cuộc đời. Người mẹ qua bài thơ Trắng trong tâm sự với con mình một điều hết sức thiêng liêng, mang vẻ đẹp nhân văn sâu sắc nhưng lại cũng cực kỳ đơn giản nếu mỗi người có được cái tâm, cái nhìn và khát vọng tốt đẹp trong đời: Muốn trở thành một người tốt phải luôn nghĩ đến những điều trắng trong!
Bài thơ khép lại mà dư ba còn vọng mãi. Chỉ với 15 câu thơ, mỗi câu 4 chữ nhưng tác giả đã khái quát được một tình cảm thiêng liêng và triết lý sống lớn lao về cuộc đời. Mỗi con người, khi uống những ngọt ngào, trắng trong từ dòng sữa mẹ, đó cũng chính là lúc tiếp nhận mạch nguồn của tình yêu thương và lẽ sống. “Trắng trong” là khát vọng ngàn đời của những ai làm mẹ - một tâm thức vô cùng mãnh liệt để giúp cho con người ngày càng biết sống tốt đẹp, nhân ái hơn.
Hồng Phượng
Ý kiến bạn đọc