Multimedia Đọc Báo in

Vẻ đẹp "làng đảo" và chân dung người lính

09:48, 26/12/2019

Làng đảo

Trập trùng sóng, trập trùng mây

Giữa bao la biển, ô hay, làng mình

Cũng vàng hoa mướp rung rinh

Cũng tươi hoa muống trắng tinh cạnh nhà

 

Mồng tơi ra với Trường Sa

Lá xanh quấn quýt như là đợi em...

Muốn xem ra đó mà xem

Rau sam trên đá, rau dền trong khay

 

Đất quê đóng gói về đây

Lính gieo hạt xuống thành cây, thành làng

Đảo xanh, biển bớt mênh mang

Đá san hô thấm mấy tầng mồ hôi!

Làng tươi roi rói nụ cười

Câu chèo ai hát í ơi cầu vồng

Vui gì bằng đón văn công

Da đen là lính, má hồng là em

 

Lính kề vai lính ngồi xem

Mấy bông muống trắng hái đem tặng người

Ở nơi cuối đất cùng trời

Chiếc hôn cũng mặn gió khơi, ngập ngừng

 

Chúng mình ngồi với rưng rưng

Hát trăng, hát gió, hát cùng Trường Sa

Hát cùng em, hát cùng ta

Đảo chìm, đảo nổi đồng ca với mình

 

Thương ai, mắt cứ lặng thinh

Một ngày bằng mấy nghĩa tình trăm năm

Mai xa vương vấn hôm rằm

Tròn trăng em hát giữa làng Trường Sa...

 

                              Đảo Trường Sa, 19-4-2000                              

Nguyễn Hữu Quý

 

Đề tài biển đảo và người lính là nguồn cảm hứng mãnh liệt trong thơ ca Việt Nam đương đại. Với nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, vốn xuất thân từ cuộc đời người lính, tình cảm ấy càng thiêng liêng và trân trọng biết dường nào. Nhờ đó, có thể khẳng định rằng, nhiều bài thơ của tác giả viết về biển đảo, người lính có sức cuốn hút đặc biệt, không chỉ nóng bỏng tính thời sự mà còn dào dạt một cảm xúc chân thành, tha thiết. “Làng đảo” là một trong những bài thơ như thế.

Ngay ở khổ thơ thứ nhất, tác giả Nguyễn Hữu Quý giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên của "làng đảo". Một vẻ đẹp nơi trùng khơi sóng vỗ mà đối với mỗi người dân nước Việt không phải ai cũng có thể cảm nhận được. Giống như bao làng quê ở đất liền, "làng đảo" cũng bạt ngàn các loài rau vừa nuôi sống con người, vừa mang lại một vẻ đẹp nên thơ: hoa mướp vàng, hoa muống trắng tinh, lá mồng tơi xanh quấn quýt... Nhờ thế, đảo bớt lẻ loi và biển cũng không còn mênh mang nữa. Một vẻ đẹp chân chất mà đầy thi vị với nhiều hình ảnh liên tưởng độc đáo: “Cũng vàng hoa mướp rung rinh/Cũng tươi hoa muống trắng tinh cạnh nhà/Mồng tơi ra với Trường Sa/Lá  xanh quấn quýt như là đợi em.../Muốn xem ra đó mà xem/Rau sam trên đá, rau dền trong khay”.

Phút thư giãn của người lính Trường Sa.  Ảnh: T. Hùng
Phút thư giãn của người lính Trường Sa. Ảnh: T. Hùng

Bao nhiêu là loài hoa dân dã, thuần khiết ở khắp mọi làng quê trên đất nước ta dường như cũng đang tụ hội về đây tỏa hương, khoe sắc. Những loài rau nở hoa vừa tạo một vẻ đẹp nên thơ, vừa cải thiện bữa ăn cho người lính đảo. Có được màu xanh trên đảo không phải là chuyện giản đơn mà phải được chắt chiu dành dụm từ biết bao nhọc nhằn của người lính đảo. Từ những hòn đất quê đóng gói mang ra đảo, người lính phải gieo hạt xuống, qua thời gian và sự chăm sóc mỗi ngày mới thành cây, thành làng, nhờ đó mà giữa trùng khơi sóng nước mênh mang, đảo đã không còn cô đơn nữa: “Đất quê đóng gói về đây/ Lính gieo hạt xuống thành cây, thành làng/Đảo xanh, biển bớt mênh mang Đá san hô thấm mấy tầng mồ hôi!”.

Chính sức sống mãnh liệt ấy đã hun đúc nên tinh thần vượt khó, ý chí và khát vọng cho lớp lớp thế hệ người lính về đây canh giữ biển trời Tổ quốc. Đến đoạn thơ thứ hai của bài thơ “Làng đảo”, Nguyễn Hữu Quý đã rất tài hoa khi khắc họa cội nguồn văn hóa thông qua đêm biểu diễn văn nghệ của đoàn văn công trên đảo. Từ cảnh vật đến con người, đặc biệt là các làn điệu chèo như tan hòa vào nhau, luyến láy, quấn quýt làm cho không gian làng quê nơi đất liền không còn khoảng cách nữa mà thật gần gũi và thâm tình với những người lính nơi biển đảo bốn bề sóng vỗ: “Làng tươi roi rói nụ cười/Câu chèo ai hát í ơi cầu vồng/Vui gì bằng đón văn công/Da đen là lính, má hồng là em”. Câu thơ "da đen là lính, má hồng là em" thật hay, thật gợi, cứ nghe như hồn lục bát của Nguyễn Du, Nguyễn Bính... cũng chấp chới vọng về trên đảo xa.

Lính trẻ  hải quân trên đảo Sinh Tồn tăng gia  sản xuất. Ảnh:  T. Hùng
Lính trẻ hải quân trên đảo Sinh Tồn tăng gia sản xuất. Ảnh: T. Hùng

Người lính ngồi xem đoàn văn công hát, quà tặng cho những người con gái xinh đẹp từ đất liền ra thật đơn sơ nhưng lại vô cùng cảm động. Mấy bông hoa muống biển - thứ quà sẵn có đã khiến lòng ai chẳng thấy bâng khuâng. Hình tượng thơ đậm chất hiện thực khi chính nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã từng chứng kiến nhiều buổi văn nghệ trên đảo Trường Sa. Thật thà nhưng lãng mạn và đắm say, khổ thơ diễn tả niềm vui rạo rực của người lính khi được đón những đoàn văn công từ đất liền ra thăm đảo. Những câu ca quan họ gọi mời, luyến lưu như khắc như chạm vào tâm hồn người lính trẻ nơi tiền tiêu sóng nước. Cảnh vật và lòng người hài hòa, chan chứa, ngay cả nụ hôn cũng mặn mòi vị biển, khơi gợi biết bao cảm xúc tràn đầy: “Lính kề vai lính ngồi xem/Mấy bông muống trắng hái đem tặng người Ở nơi cuối đất cùng trời/Chiếc hôn cũng mặn gió khơi, ngập ngừng”.

Chính khoảnh khắc nghĩa tình tha thiết ấy giữa người lính tiền tiêu và cô gái văn công nơi đất liền ra đảo, Nguyễn Hữu Quý đã cảm nhận bằng chính sự "rưng rưng" của lòng mình để rồi thảng thốt bật lên một tiếng thơ đầy ắp yêu thương: “Chúng mình ngồi với rưng rưng/Hát trăng, hát gió, hát cùng Trường Sa/Hát cùng em, hát cùng ta/Đảo chìm, đảo nổi đồng ca với mình”. Đặc biệt, ở hai câu thơ kết bài, tình cảm luyến lưu của nhân vật trữ tình thương nhớ về hình ảnh người con gái một lần đến "làng đảo" để rồi những câu ca cứ neo lại không về, kết thành muối mặn gừng cay trong trái tim người lính: “Mai xa vương vấn hôm rằm/Tròn trăng em hát giữa làng Trường Sa...”.

“Làng đảo” là bài thơ hay nhờ ở khả năng lập tứ và tài hoa trong cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh để diễn tả vẻ đẹp "làng" và hình tượng người lính nơi trùng khơi biển đảo. Có thể xem “Làng đảo” là hình mẫu cho những bài thơ hay viết về biển đảo, về hình tượng người lính, vừa đậm đà bản sắc dân tộc ở thể thơ lục bát nhưng cũng rất hiện đại nhờ vào cảm xúc chân thành, tình yêu mến thiết tha với những người lính trẻ trong công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nói rộng hơn, để có được một “làng đảo” khắc sâu vào tâm thức người đọc, nhà thơ phải có một tình yêu đặc biệt với văn hóa làng đã chưng cất từ hồn dân tộc ngàn năm.

Lê Thành Văn
 

Ý kiến bạn đọc