Multimedia Đọc Báo in

Buồn, vui nghề báo

11:09, 18/07/2010
Để có những tác phẩm báo chí hay, thấm đẫm hơi thở cuộc sống, nhà báo phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Và, mỗi trang báo đều đong đầy kỷ niệm, có khi là câu chuyện vui, nhưng cũng có khi lại là nỗi buồn không dễ phôi phai…
 
Giữa trưa, điện thoại reo dồn. Vừa nhấc máy lên đã nghe đầu dây bên kia liên tục nói: “Chú à! Còn nhớ chị không? Chị T., ở phường Khánh Xuân đây. Chị  và các hộ trong tổ vay vốn đã nhận được tiền vay rồi. Anh chị biết ơn chú nhiều lắm. Nhờ chú mà việc học của các cháu không bị gián đoạn…!”. Tôi biết chị T., và một số hộ nghèo, cận nghèo ở phường Khánh Xuân trong một dịp đi tìm hiểu nguyên nhân họ chậm được giải ngân cho vay vốn học sinh – sinh viên theo chủ trương của Chính phủ. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên đó là khi tôi đang tìm hiểu sự việc thì họ nhận được tiền vay. Chính vì thế, cho đến bây giờ, chị T., và các thành viên trong tổ vay vốn cứ tưởng việc họ được vay vốn là nhờ nhà báo can thiệp. Dù với lý do gì, mà nhu cầu chính đáng của người dân được giải quyết, việc học tập của các cháu không bị gián đoạn là tôi cũng cảm thấy vui lây. Không phải cứ được khen, cảm ơn mới vui, đôi khi bị bạn đọc “mắng không tiếc lời” chúng tôi cũng không buồn bởi vì đã làm được một điều có ích cho số đông. Còn nhớ, sau bài phản ánh tình trạng khai thác trái phép khoáng sản nói chung, cát xây dựng nói riêng tràn lan trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng đã vào cuộc lập lại trật tự trong lĩnh vực này. Cứ mỗi lần lực lượng chức năng đi kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm là tôi bị những người khai thác khoáng sản trái phép gọi điện chửi mắng, thậm chí còn đe dọa. Một số bài viết phản ánh những bất cập, hạn chế trong việc xét cho vay vốn cũng vậy. Sau khi báo phát hành, nhiều bạn đọc công tác trong lĩnh vực ngân hàng phản ứng khá gay gắt. Họ bảo rằng, nhà báo có giỏi thì xin vào ngân hàng làm việc để biết thế nào là rủi ro trong hoạt động tín dụng…!
Phóng viên Lê Ngọc (bên trái) đang nghe nông dân hướng dẫn cách quản lý dịch bệnh cây trồng. (Ảnh: Thuận Nguyễn)
Phóng viên Lê Ngọc (bên trái) đang nghe nông dân hướng dẫn cách quản lý dịch bệnh cây trồng. (Ảnh: Thuận Nguyễn)
Nói như vậy không có nghĩa là nhà báo chúng tôi suốt ngày nhận được tin vui. Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi cũng thường xuyên gặp phải cảnh “cười ra nước mắt”.
 
Không biết các đồng nghiệp khác thì thế nào nhưng riêng tôi, có lẽ một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là chuyện đi tìm người phát ngôn. Từ khi Quyết định số 13/2009/QĐ-UBND, ngày 9-4-2009 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ra đời, cứ tưởng nhà báo sẽ gặp nhiều thuận lợi trong tác nghiệp nhưng thực tế là ngược lại.
Các phóng viên đang tác nghiệp. (Ảnh: Hoàng Sơn)
Các phóng viên đang tác nghiệp. (Ảnh: Hoàng Sơn)
Một lần, chúng tôi liên lạc với văn phòng UBND huyện để tìm hiểu về kết quả xóa đói giảm nghèo. Nội dung buổi làm việc đã được thống nhất là ngoài đánh giá chung về kết quả xóa đói giảm nghèo của huyện, chúng tôi còn đi thực tế ở một số xã có cách làm sáng tạo trong công tác này. Thế nhưng, khi đến làm việc trực tiếp thì đồng chí Phó Chánh Văn phòng “phán”: Nhà báo cần đi đâu thì văn phòng sẽ làm giấy giới thiệu. Riêng kết quả  xóa đói giảm nghèo của huyện thì đề nghị nhà báo nghiên cứu trong báo cáo chứ đồng chí Chánh Văn phòng (đồng thời là người phát ngôn) bận đi học, không tiếp được (!?). Do không có hẹn trước nên lãnh đạo các xã từ chối làm việc, chúng tôi đành “ngậm ngùi” quay về. Cũng có trường hợp, chúng tôi liên lạc làm việc với người phát ngôn thì họ hẹn chờ xin ý kiến của thủ trưởng, vì họ là cấp phó nên không dám… qua mặt. Thế nhưng, khi chúng tôi liên lạc với thủ trưởng đơn vị thì lại được yêu cầu làm việc trực tiếp với người phát ngôn của cơ quan! Không hiểu vì lý do gì, người phát ngôn luôn tìm cách né tránh báo chí; không chủ động cung cấp thông tin, thậm chí là không chịu nói khi chúng tôi hỏi về các vụ việc công khai thuộc thẩm quyền họ phụ trách. Thế là “tắc”, báo chí không biết tìm ai để lấy thông tin. Và dĩ nhiên, để đáp ứng nhu cầu bạn đọc quan tâm, phóng viên buộc phải tự tìm kiếm nguồn thông tin cho mình vậy.
Lê Ngọc

Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Mẹ quê
10:46, 18/07/2010
Mẹ quê
10:46, 18/07/2010
Tấm thớt làng
14:37, 17/07/2010
Tấm thớt làng
14:37, 17/07/2010