Multimedia Đọc Báo in

Tấm thớt làng

14:37, 17/07/2010
Mỗi lần nói đến tấm thớt làng, người ta hình dung ra một tấm ván lớn, dày cộm nằm chềnh ềnh giữa đình làng. Nó rất đắc dụng trong những ngày cúng làng, lễ hội ở làng. Dao phay băm vào nó chẳng ăn thua gì, cùng lắm vang lên tiếng cộp cộp vui xóm, vui làng.
 
Tấm thớt làng từng gánh chịu nỗi đau thể xác để mua lấy vài cuộc vui hiếm hoi trong một năm. Đó là những lúc cờ gióng, trống rung. Người già mặc áo dài vải gấm đỏ, xanh, vàng, tím thêu chữ nho thành những vòng tròn. Đàn bà con gái áo chung, áo lụa đủ sắc màu rực rỡ trong mắt người.
 
Đó là lúc người ta giết heo eng éc, quật xuống thềm giếng làng cạo lông soèn soẹt, tiếng cười nói vang xa một vùng. Hòa chung niềm vui của người lớn, bọn trẻ xúm xít gần bên người đồ tể để xin cái bong bóng heo về thổi, đem phơi khô làm trái bóng chuyền, tranh nhau đánh, chuyền cả buổi không biết mệt.
 
Tấm thớt làng có công to với dân làng, với các linh hồn tiền bối của làng, nhưng vì mình có hình dáng thô thiển nên người đời hễ nhìn thấy cô gái nào lưng to bè, kệch kỡm liền đem ra so sánh: “Con ấy lưng thư tấm thớt làng!” hoặc: “Thằng nào cưới con ấy thì khỏi đóng giường!”. Nói thế thì chết con gái người ta rồi! Ở đời ai cũng ước muốn mình xinh đẹp, chứ ai muốn có thân hình thô thiển đâu!
 
Những lúc ăn nhậu đông người, chặt to kho mặn, người ta cũng thường nhắc đến dao phay và tấm thớt làng. Dường như tấm thớt làng sinh ra để đối trọng với dao phay hay sao ấy. Nghĩ tội nghiệp tấm thớt làng, mỗi năm vài ba lần đưa lưng ra cho thiên hạ chặt chém, no say chán chê rồi đem thân mình làm hình ảnh để bêu riếu cái cục mịch, xấu xí.
 
Những lằn dao in trên tấm thớt làng qua nhiều năm tháng thành vết đau muôn đời không ai chia sẻ cùng thớt cả. Chỉ còn lại vẻ đẹp in sâu vào ký ức con người từ hình ảnh của cúng kính, lễ hội mà thôi.
 
Ngày tôi còn thơ bé, nhà tôi ở gần lẫm làng nên tấm thớt làng đã in sâu vào ký ức của tôi. Tấm thớt làng không biết làm bằng gỗ gì màu ửng đỏ, chắc chắn vô cùng! Biết bao nhiêu lần cúng làng, bao nhiêu lần lễ hội, biết bao nhiêu vết dao phay bổ xuống, vậy mà tấm thớt làng chỉ lăm nhăm vết dao, hơi khoét sâu một chút.
 
Lớn lên tôi không còn nhìn thấy tấm thớt làng ở lẫm làng nơi tôi chôn nhau cắt rốn. Mỗi lần cúng làng, người ta giết heo, xẻ thịt ngay trên thềm giếng. Tấm thớt dùng để thái thịt, các mẹ chị phụ trách ẩm thực mượn của người nhà hàng xóm. Vậy mà một lần đến Bến Tre, tôi đi tham quan một ngôi đình có cây mai trên ba trăm tuổi, trong ngôi đình có một tấm thớt làng to tướng gây ấn tượng mạnh trong tôi. Thế là tuổi thơ tôi sống dậy thật sống động, bồi hồi. Chắc là sau này lứa tuổi của tôi về già không còn ai lấy tấm thớt làng đem so sánh với sự thô thiển nào đó. Vì hình ảnh ấy thật xa vời, thậm chí không có trong bộ nhớ của lớp trẻ bây giờ!
Trần Quốc Cưỡng
 

Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Vườn hạ
16:11, 16/07/2010
Vườn hạ
16:11, 16/07/2010
Quà của ba
00:01, 10/07/2010
Quà của ba
00:01, 10/07/2010