Multimedia Đọc Báo in

Chợ quê

09:38, 20/04/2019
Chợ quê cũng như chính miền đất sinh ra nó, thật giản dị yên bình, khiến ai đi xa cũng nhớ về. Nơi bán hàng ở chợ quê thường chỉ được làm rất đơn sơ.
 
Có khi là những lều lán dựng tạm bằng những thân tre thân nứa, lợp bằng cỏ cây có sẵn nơi miền quê như rơm rạ, lá dừa, lá cọ. Mưa nắng thời gian đã khoác cho khu chợ chiếc áo màu xưa cũ. Những bức tường xanh rêu loang lổ vết gió mưa, những mái rạ xám mục xiêu xiêu lầm lụi lặng lẽ nằm bên triền đê, dưới lũy tre già hay bên gốc đa, là nơi gặp gỡ bán mua của những người dân quê thuần hậu.
 
Những món hàng nhà quê đơn sơ mà đặc biệt cuốn hút. Đó là những mặt hàng tự tay người nông dân một nắng hai sương chắt chiu làm ra, từ những tảo tần nắng mưa hôm sớm. Mỗi sản phẩm ở chợ quê đều đáng yêu đáng quý vì nó mang trong mình cái mặn mòi của những giọt mồ hôi, chất chứa bao buồn vui, bao âu lo, hy vọng của người nông dân lam lũ. Và hơn cả, nó còn mang trong mình hơi thở, hồn cốt của đất đai quê nhà.
 
Chợ quê mỗi sớm mai thật sinh động bởi mọi sắc màu, âm thanh đều náo nức, rộn ràng, tươi mới. Trên những chiếc rổ sảo bằng tre đan, trong những đôi quang gánh tần tảo là mớ rau tươi xanh non mỡ màng vừa mới hái lúc tinh mơ còn đọng những giọt sương trong veo, là những quả cà chua chín mọng căng tròn, những bông hoa bí ngô vàng ruộm, những bắp ngô hạt đều mẩy đầy tăm tắp…
 
Ở một góc khác, thật vui mắt khi nhìn mớ tôm tép còn nhảy lách tách trên chiếc rổ tre, những cá, cua, ốc còn nguyên mùi đồng ruộng ao hồ. Và đây nữa, mấy chú cún mũm mĩm mắt tròn xoe vô tư ngoe nguẩy chiếc đuôi nho nhỏ, lại thêm chú mèo con nhút nhát thỉnh thoảng cất tiếng meo meo, đàn gà con bé xíu lông tơ mịn màng lích chích trong chiếc lồng xinh xắn...
 
Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My
Trong ký ức tuổi thơ, hẳn ai cũng nhớ đến nôn nao những món quà quê của bà, của mẹ. Đó đâu phải là những món quà đắt đỏ, xa xỉ nhưng vẫn là nỗi mong chờ háo hức của tất cả bọn trẻ con. Suốt bao năm xa quê, thưởng thức đủ các món ăn khắp các vùng miền đây đó nhưng trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm giác hồi hộp ngóng đợi mỗi lần bà hay mẹ đi chợ về.
 
Chỉ cần nghe tiếng gọi, mấy chị em tôi dù đang mải chơi bất cứ trò gì cũng đều nhanh chóng chạy lại, xúm xít lau nhau quây quanh chiếc thúng. Khi chiếc mẹt vừa được mở ra, đứa nào đứa nấy reo lên sung sướng vì được cầm trên tay món quà quê giản dị, khi là phong kẹo dồi giòn tan với những nhân lạc bùi bùi ngậy ngậy, khi là nắm xôi, chiếc bánh khúc nóng hổi thơm nồng gói trong xanh mướt lá dong, lúc là những nắm bỏng gạo, bỏng ngô ngọt ngào vì được tráng bên ngoài lớp đường mật mong mỏng… Ngon đến thế mà chẳng đứa nào nỡ ăn nhanh. Dường như bọn trẻ chúng tôi đều muốn giữ thật lâu để nhâm nhi niềm hạnh phúc giản dị của tuổi thơ, để những tiếng cười khúc khích giòn tan kéo dài mãi nơi góc sân, nơi đầu hè mát rượi.
 
Chợ quê là chợ của người nhà quê lam lũ khó nghèo. Đó là mẹ, là bà tôi và bao người cả đời quen thức khuya dậy sớm. Mỗi lần nhớ lại hình ảnh những bà cụ lưng đã còng vẫn gắng sức gánh gồng mấy mớ rau, bác nông dân liêu xiêu nhễ nhại đẩy chiếc xe thồ chở đầy dưa lê, dưa chuột hay mấy đứa trẻ tóc tai rối bù cháy nắng, áo quần lấm láp bên mấy chiếc rổ đựng đầy cá cua, lòng tôi không khỏi rưng rưng.
 
Người dân quê mộc mạc, thuần hậu. Người đến chợ quê là những người cùng xóm làng, cùng họ hàng nên càng gần gũi, thân tình. Việc bán mua vì lẽ đó mà cũng nhẹ nhàng, dễ dàng hơn bất kỳ đâu, đôi khi không hoàn toàn dựa trên giá trị vật chất của hàng hóa. Xen lẫn những câu chuyện bán mua, ta thấy bao vui buồn trong những lời thăm hỏi chuyện nhà cửa, chuyện công việc đồng áng ngô khoai, chuyện làng xóm xa gần. Chợ quê mang nhịp điệu, hơi thở riêng, bình lặng và hiền hòa như thế đã bao năm, bao đời.
 
Chiều nay giữa chốn xa lạ, lao xao, tôi lại ao ước được trở về góc chợ xưa để được nắm tay bà tung tăng tìm mua chút quà quê yêu thích, để được sống lại trọn vẹn niềm hạnh phúc tuổi thơ thuở nào…
 
Vũ Thị Vui
 

Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.