Multimedia Đọc Báo in

Vẫn nghe hương bưởi thoảng đưa

14:19, 06/04/2019

“Mẹ ơi… Trưa nay, mẹ nấu nước hoa bưởi gội đầu cho con, mẹ nhé! Như ngày xưa ngoại từng gội đầu cho mẹ ấy!”.

Cô con gái lên năm của chị tỉ mẩn nhặt từng bông bưởi trắng tinh, cánh mềm như nhung, nhị vàng óng đưa lên mũi hít hà hương thơm thoang thoảng rồi nhẹ nhàng đặt xuống chiếc rổ nhựa đỏ cầm trên tay. Con bé lí lắc chạy đến bên chị, tròn xoe đôi mắt biếc cùng nụ cười hồn nhiên. Chị mỉm cười gật đầu. Mùa hoa bưởi lại về! Cây bưởi nơi góc sân nhà mẹ giờ chắc cũng đương hoa? Bao mùa hoa rồi nhỉ? Chị chẳng thể nhớ hết! Chỉ biết rằng những câu chuyện quanh cây bưởi ấy vẫn mãi đong đầy trong tâm trí chị.

Ngày chị còn bé tí, chị thường nằm gối đầu lên chân mẹ trên cái chõng tre dưới gốc bưởi để được mẹ xoa đầu, khi hát ru, khi lại thủ thỉ kể cho chị nghe bao chuyện liên quan đến cây bưởi.

Khi ba mẹ chị lấy nhau, ông bà nội cho ngôi nhà nhỏ ở cuối làng làm của hồi môn. Ngày dọn đến nhà mới, thấy cây bưởi nhỏ xinh, cứng cáp mọc hoang trong vườn, ba mẹ chị bàn với nhau bứng cây vào trồng ở góc sân. Nắng, gió, mưa bão không làm cây yếu mềm, còi cọc. Trái lại, cây xanh tốt, khỏe mạnh và lớn nhanh. Chẳng bao lâu sau, cây đã bắt đầu cho bóng mát, cho hoa và lứa quả đầu mùa.

Ngày ấy, mẹ chị cũng là cô gái có nhan sắc trong làng, biết bao chàng trai mơ tưởng đến. Vậy mà… mẹ chị lại chỉ chọn ba chị. “Mình chọn tôi vì thương tôi thật lòng hay vì yêu những chùm hoa bưởi tôi tặng?”. Nhiều lúc, ba chị vẫn tủm tỉm hỏi mẹ chị như thế. Mẹ chị được thể trách yêu: “Tôi yêu mình ít nhưng yêu hoa thì nhiều!”. Nhìn vào đôi mắt nhau, tình yêu thương của ba mẹ chị cứ thế đong đầy theo năm tháng.

Rồi ba chị đi bộ đội. Khi đó chị mới tròn một tuổi. Ba chị bảo, mùa bưởi ra hoa, ba sẽ về. Mẹ chị ở nhà chăm chị, chăm cây và chờ đợi chồng về. Ngày quê hương được giải phóng, ba chị trở về với đôi nạng gỗ và bước chân đi khó nhọc. Chiến tranh đã lấy mất một chân phải của ba chị. Gặp lại ba, mẹ sụt sùi, còn chị thì ôm cả ba và mẹ cứ thế nức nở. Nhìn mẹ con chị, ba cười bảo: “Ba trở về là hạnh phúc rồi! Biết bao đồng đội của ba không có được may mắn ấy”.

Mẹ khoe với ba về cây bưởi nơi góc sân nhà, mấy năm liền cho quả sai trĩu trịt. Mùa bưởi chín, ăn, bán rồi biếu xóm giềng, ai nấy đều tấm tắc khen giống bưởi ngon ngọt. Mùa bưởi chín năm ấy, được thưởng thức múi bưởi thơm ngọt, ba bàn với mẹ chiết cành để nhân rộng giống bưởi quý ấy trồng trong vườn nhà. Cứ vậy, mùa nối mùa… những cây bưởi cũ, những cây bưởi mới cùng lúc đã đem đến bao hoa thơm trái ngọt.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Vào mùa bưởi ra hoa, những trưa hanh hao nắng hay những chiều không phải đến trường, chị vẫn thường rủ bạn về sân nhà mình chơi. Lúc nhặt hoa chơi đồ hàng, khi lại cài hoa lên mái tóc giả làm cô dâu. Những buổi trưa hè đầy nắng, mẹ chị thường nấu nồi nước lá bưởi thơm nồng. Cô bé là chị ngày ấy lăng xăng nhặt từng bông bưởi rơi góc sân bỏ vào nồi nước lá mẹ chuẩn bị nấu, tí tách cười: “Mẹ gội đầu cho con nữa nhé!”. Những lần gội đầu bằng thứ nước lá bưởi, hoa bưởi thơm thảo quê nhà, đến bây giờ, trong chị vẫn nguyên vẹn mùi hương đặc biệt ấy. Sau này chị lớn lên, xa nhà, mùi hương ấy cứ khắc khoải trong tim.

Sau này, chị lớn lên và đi học xa nhà, dưới gốc bưởi là nơi ba chị đặt bộ bàn ghế gỗ đen bóng với bộ bình trà ướp hoa bưởi. Mỗi khi có bạn bè hay xóm giềng sang chơi, ngồi dưới bóng bưởi mát lịm, những câu chuyện về cây, về hoa lại được râm ran luận bàn. Nhịp sống bình yên nơi quê nhà cứ thế trôi.

Rồi chị theo chồng lập nghiệp xa nhà. Câu chuyện về cây bưởi qua lời kể của chị khiến anh ấp ủ trong lòng dự định đặc biệt. Ngày anh chị dành dụm mua đất cất được ngôi nhà mới, anh về tận quê chiết giống bưởi quý đem vào trồng bên hiên nhà. Món quà của anh tặng khiến chị xúc động đến khóc.

Cây bưởi bên hiên nhà đã cho hoa mùa đầu. Ngắm những bông bưởi trắng ngà, tinh khôi, ngắm đôi bàn tay thơm tho và nụ cười trong ngần của con, chị thấy mình như sống lại những tháng năm yêu thương ngày cũ. Hương lá, hương hoa bưởi quyện hòa theo gió thoang thoảng, dìu dịu. Nắng trưa thơm nồng… Chắc giờ này ở quê, mẹ cũng đã chuẩn bị xong nồi nước gội đầu. Lòng chị miên man nhớ…

An Viên 
 

Ý kiến bạn đọc


Xem thêm