Multimedia Đọc Báo in

Neo giữ đồ cũ

16:28, 12/06/2020
Trong cuộc sống hiện đại, mỗi khi người ta mua sắm đồ dùng mới thì thường vứt bỏ những vật dụng cũ đã lạc hậu, lỗi thời. Riêng cha tôi, lại có thói quen gói ghém những món đồ cũ không còn sử dụng của gia đình lại để dồn nơi góc nhỏ sau nhà như một hoài niệm về những năm tháng đã qua.

Tôi nhớ cái cảm giác thảng thốt trong lần về quê gần đây nhất, giúp cha sắp xếp, lau bụi lại chái bếp sau nhà. Một thế giới đồ cũ cha không nỡ vứt đi mà giữ gìn rất cẩn thận cho đến bây giờ. Mỗi một món đồ là một phép cộng những kỷ niệm về quãng thời gian mà cả gia đình tôi đã trải qua. Từ chiếc quần bộ đội, đôi dép cao su đến cái bình đông đựng nước thời cha đi chiến trường. Rồi những chiếc đèn dầu, bàn ủi con gà, hũ sành… đã nhuốm màu thời gian vẫn còn nguyên vẹn trong gạc-măng-rê cũ. Vẫn còn con dao, vài chiếc nồi, chày cối, thúng mủng… treo lủng lẳng bám mạng nhện. Cả chiếc cối xay bằng đá yên vị, ngay ngắn nơi góc bếp - chiếc cối đã tạo nên những món bánh ngọt ngào được chắt chiu từ tình thương con vô bờ bến của cha mẹ. 

Minh họa:  Trà My
Minh họa: Trà My

Ðặc biệt, bên hông gian bếp vẫn còn chiếc xe đạp đầm. Vừa nhìn thấy chiếc xe, một phần ký ức thoáng vụt qua như thước phim trôi nhanh. Trước khi tôi vào lớp 6, cha bàn giao chiếc xe đạp cho tôi và dặn dò “chiếc xe này giờ là của con, mỗi ngày con tập đi cho thạo để vào năm cấp hai cố tự mà đi học”. Chiếc xe cũ kĩ ba nhượng lại cho tôi, mỗi lần tôi tập đi là thế nào cha cũng hộ tống. Thương cha, tôi tranh thủ lúc cha vác cuốc ra đồng lại xách xe tập tành. Chỉ hơn một tuần tôi đã nhong nhong trên chiếc xe. “Con ngựa sắt” gắn liền với những năm tháng phổ thông. Cũng trên chiếc xe này, cha  chở tôi qua cánh đồng làng rồi thẳng đến trung tâm thị trấn đón xe đò đi thi đại học. Ngày tôi xách ba lô đi nhập học, chiếc xe đạp đã rời quê cùng tôi ra phố. Thấm thoát bốn năm sinh viên, chiếc xe đạp cũ kĩ cũng đã rã rời trên những con phố hằng ngày đi qua hun hút giấc mơ xe máy. Ra trường, ở lại thành phố lập nghiệp, tôi tích cóp tiền bạc sắm được xe máy thỏa nỗi mong chờ. Từ đó, cha bọc chiếc xe đạp và treo nó trong gian bếp này.

Mang từng đồ vật cũ cách đây đã hơn hai mươi năm, lau chùi sạch sẽ mà tôi thấy thương cha nhiều hơn. Năm tháng trôi qua nhưng cha đã giữ lại cho tôi bao kỷ niệm một thời khó khăn. Chính quãng thời gian thiếu thốn ấy đã luyện rèn tôi đủ sức dẻo dai vượt qua mọi khó khăn trên chặng đường đời. Trong cuộc sống mỗi chúng ta, chắc chắn ai rồi cũng có những đồ dùng cũ bỏ quên ở góc nào đó trong căn nhà được phủ mờ lớp bụi thời gian. Có khi nó đã hoàn thành "sứ mệnh lịch sử" của mình, không còn hợp thời cuộc nhưng xin đừng vứt bỏ hết, bởi biết đâu nhiều thứ nho nhỏ, tưởng không còn giá trị gì một ngày nào đó lại đánh thức những hoài niệm, tạo động lực để chúng ta bước tiếp trên chặng đường đời.

Phan Thị Thanh Ly


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.