Multimedia Đọc Báo in

Rưng rưng sắc phượng

18:45, 20/06/2020

Cây phượng vĩ đã từ lâu luôn gắn liền với tuổi học trò, gắn liền với mùa thi, mùa chia tay, với những ước mơ đẹp tuổi mới lớn.

Phượng được trồng ngay lối đi, ở sân trường, hay nép mình bên ngoài dãy phòng học. Mỗi mùa một sắc áo, phượng điểm tô cho trường học một không gian vừa thân thuộc, gần gũi vừa gợi nhớ, gợi thương cho những ai phải xa trường, xa lớp.

Thế mà sáng nay, đến lớp như mọi ngày nhưng lòng tôi chợt chùng lắng bao tâm tư bởi những tin tức mới đọc trên những mạng xã hội và báo chí gần đây. Đó là  việc nhiều cây phượng trong sân trường bị đốn hạ một cách không thương tiếc. Dù rằng đây là điều mọi người đã tiên liệu sau vụ việc đáng tiếc xảy ra ở thành phố Hồ Chí Minh vừa qua: một cây phượng già ruỗng thân bị bật gốc làm một học sinh tử vong.

Ai từng là học trò làm sao quên được, dưới tán phượng xanh ngời sắc lá những trò chơi tuổi dại được bày ra. Từng cơn gió lành nhẹ nhàng vờn bay mái tóc, nụ cười hồn nhiên theo từng chiếc lá nhẹ rơi. Những chiếc ghế đá xếp ngay ngắn dưới gốc cây là nơi nghỉ ngơi sau những giờ học căng thẳng. Các em chuyền cho nhau cuốn sách, tâm tình với nhau về những dự định tương lai. Mùa hạ đến, cùng với tiếng ve kêu inh ỏi trong vòm cây, sắc thắm hoa phượng bất ngờ một sớm mai vén tàn lá xanh nhòm xuống. Mấy cô cậu học trò chợt reo lên rồi cúi mặt cho suy tư thức dậy bồi hồi. Phượng đã nở đồng nghĩa với việc sắp phải chia tay. Khép lại một hành trình đèn sách để bước tiếp chặng đường mới mà cuộc sống đang vẫy gọi.

Minh họa:   Trà My
Minh họa: Trà My

Phượng được trồng, gắn bó lâu năm với trường lớp, với học trò như thế liệu chặt bỏ, “bức tử” nó một cách vội vàng, thiếu suy nghĩ như thế được không? Nhìn hàng loạt cây phượng trong sân trường bị đốn hạ, trơ khấc nền xi măng giữa cái nắng mùa hè cháy da, đọc những lời bình luận của cư dân mạng thể hiện niềm xót xa mà không sao nén được cảm xúc. Vừa đau, vừa giận, vừa tiếc, vừa thương…

Ai có thể dửng dưng mà không hụt hẫng khi đứng ở sân trường nhìn những cây phượng già bị đốn ngang gốc, thân cây bị xả thành mấy khúc nằm lăn lóc ở một góc sân. Vài cây phượng đang độ căng tràn, cành vươn ra chắc khỏe, lá xanh non mơn mởn sau mấy trận mưa đầu mùa, vài chùm hoa đỏ tươi rung rinh trong nắng sớm. Thế rồi, những nhát dao bổ xuống. Cành cây rớt xuống như ai đó gieo mình, lá rụng tả tơi, hoa rơi tan tác. Những đoạn cành bị chặt chưa sát, còn sót lại trên thân cây tạo ra hình ảnh giống như một người cụt tay giơ lên cầu cứu.

     Tôi đã ra đề văn nghị luận để học sinh nêu suy nghĩ về hiện tượng này. Các em đã mạnh dạn thể hiện tình cảm với loài cây gắn liền với tuổi học trò. Yêu phượng, tiếc cho phượng bị chặt cành, đốn hạ, nhiều phương án cứu phượng được đề xuất. Tôi đặt mình vào vị trí của các em để cảm nhận, để suy tư và tưởng tượng. Các em ngơ ngác và sợ hãi khi nhìn thấy công nhân mang dụng cụ cưa, chặt đến bên từng gốc phượng. Tiếng máy cưa vang lên, tiếng cành cây gãy, những tán lá xanh rơi ngập sân trường. Hoảng hốt và lo âu. Bởi các em đã từng được thầy cô giáo dạy về môi trường sống, về giá trị của cây xanh thanh lọc không khí trong lành cho sự sống…

 Phượng nói riêng và cây xanh trồng ở sân trường nói chung đều cho bóng mát. Khuôn viên nhà trường nào nhiều cây xanh sẽ cho ta sự thư thái, trong lành khi bước vào. Trong vòm xanh chim về làm tổ, dưới tán cây học sinh vui vẻ nghịch đùa. Cái nắng hè oi nồng cũng tạm bị xua tan trước vòm xanh của phượng, để những kỷ niệm tuổi hồng càng thiết tha hơn.

Vẫn nghe vang lên đâu đây lời bài hát thuở nào xốn xang, bồi hồi, xao xuyến lạ: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu?/ Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám/ Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu” (Lời bài hát “Phượng hồng”, thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Vũ Hoàng).

Những cánh phượng hồng trong ký ức cứ rưng rưng…

Sơn Trần


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Neo giữ đồ cũ
16:28, 12/06/2020
Về thương châu thổ
16:40, 22/05/2020
Nỗi nhớ lục bình
10:21, 15/05/2020
Những ngày ở quê...
12:31, 09/05/2020
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.