Multimedia Đọc Báo in

Sôi động cuộc đua 3G

12:36, 17/10/2010
Các mạng điện thoại di động đang đua nhau tung ra hàng loạt các dịch vụ gia tăng phong phú về nội dung, hấp dẫn về giá cước, đem lại các tiện ích thiết thực cho người dùng. Động thái này trong thời gian gần đây không chỉ nhằm lôi kéo các thuê bao về mạng của mình mà còn nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận.

Nhờ công nghệ 3G mở lối
Cách đây một năm, VinaPhone là mạng đầu tiên triển khai công nghệ 3G và trở thành nhà cung cấp các dịch vụ mới xuất sắc nhất của năm. Sau VinaPhone, tham gia cuộc đua 3G vẫn là hai tên tuổi quen thuộc MobiFone và Viettel. Với công nghệ 3G, ba nhà mạng này càng củng cố thêm đẳng cấp của mình bằng dung lượng, tốc độ và các dịch vụ nội dung, các ứng dụng tiện ích đem lại cho các thuê bao của mình.
Với đường truyền dữ liệu và truy cập Internet tốc độ tôi đa lên tới 14.4 Mbps, mạng 3G của các nhà mạng không chỉ đem lại các dịch vụ, nghe gọi chất lượng cao mà còn giúp các thuê bao di động được trải nghiệm và tận hưởng các ứng dụng đa dạng về truyền dữ liệu như truy cập Internet, gửi mail, cập nhật tin tức, tải phim, nghe nhạc, xem TV... với chất lượng cao.
Công nghệ 3G đã "thổi" một luồng gió mới cho thị trường dịch vụ giá trị gia tăng di động Việt
Công nghệ 3G đã "thổi" một luồng gió mới cho thị trường dịch vụ giá trị gia tăng di động Việt
Trước đây, với công nghệ GPRS, EDGE, các mạng điện thoại di động cũng đã cung cấp các dịch vụ này, nhưng do hạn chế về băng thông và tốc độ nên chất lượng không bảo đảm và không thể hấp dẫn người sử dụng. Tuy nhiên, công nghệ 3G được đưa vào khai thác đã tạo nên xu hướng truy cập Internet tốc độ cao và sử dụng các dịch vụ số ngay trên mạng di động, mọi lúc mọi nơi.
Dịch vụ giải trí qua mạng điện thoại di động tới hồi bùng nổ
Theo thống kê, ở thời điểm này, mỗi nhà mạng cũng đều có trong tay đến vài chục loại dịch vụ gia tăng. Và nó được dự đoán còn phong phú hơn nhiều nữa khi công nghệ 3G đã trở thành quen thuộc với phần đa người dùng dịch vụ trong một tương lai rất gần.
MobiFone đang triển khai gần 40 dịch vụ dành cho khách hàng của mình như: MobiChat (dịch vụ trò chuyện qua tin nhắn); dịch vụ Mworld cho phép người dùng đọc thông tin, diễn biến của thị trường chứng khoán trong và ngoài nước... Viettel có 25 dịch vụ như quà tặng âm nhạc, Mobile newspaper (đọc báo trên điện thoại di động), I-Share (chuyển tiền), Imuzik (nhạc chuông chờ)... Với chiến lược thu hút thuê bao bằng các dịch vụ tiện ích độc đáo phục vụ mọi nhu cầu, mọi lúc, mọi nơi của thuê bao VinaPhone có gần 50 dịch vụ ứng dụng cho di động. Từ đầu năm nay, VinaPhone giới thiệu thêm gần chục dịch vụ tiện ích nhằm phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng. Với cổng dịch vụ V-live cung cấp dịch vụ cập nhật tin tức tự động, VinaPhone nhắm vào đối tượng khách hàng là giới doanh nghiệp, văn phòng. Với cổng M360, VinaPhone chuyên cung cấp các dịch vụ cộng đồng trên điện thoại di động như: Chat qua các tài khoản dịch vụ m360, Yahoo Messenger, Gtalk.., tạo lập blog với đầy đủ các tính năng tạo album ảnh, profile, avatar… Những dịch vụ này của nhà mạng đã đem đến cho các khách hàng trẻ tuổi các tiện ích online mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, các dịch vụ như Chacha, ManaMob, TEEN đều là các cổng dịch vụ giải trí như nghe nhạc, chơi game, đọc truyện tranh... phục vụ cho các thói quen, sở thích của các đối tượng khách hàng trẻ tuổi, thậm chí là các khách hàng ở tuổi teen.
Hấp dẫn cùng giá cước rẻ
Với thế mạnh có sẵn trong tay hạ tầng truyền dẫn, các nhà mạng đã có phần ưu thế khi đưa ra nhiều dịch vụ với giá cước rẻ hơn so với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung khác và với nhiều cách tính cước linh hoạt.
Nếu như Viettel giảm giá cước data khi khách hàng dùng dịch vụ nội dung của nhà mạng, thì VinaPhone lại cung cấp theo gói thuê bao. Nghĩa là khách hàng chỉ cần bỏ ra một khoản tiền hợp lý hằng tháng là có thể thoải mái sử dụng dịch vụ mà không bận tâm về cước phí data. Thậm chí trước khi sử dụng theo tháng, thuê bao có thể dùng thử theo ngày, hoặc tuần. Với cổng di động Chacha, khách hàng chỉ phải trả cước dịch vụ 30.000 đồng/tháng là có thể thỏa sức nghe và tải hàng nghìn bài nhạc mà không bận tâm về cước data. Hay như với dịch vụ m360, chỉ cần 10.000 đồng/tháng cho việc duy trì tài khoản VIP, khách hàng có thể chia sẻ ảnh không giới hạn, điều mà ít gặp với dịch vụ tương tự của nhà mạng khác. Còn cổng Portal dành cho thiếu nhi như đọc truyện tranh trên di động MangaMob lại giúp khách hàng có thể đăng ký theo gói như với 2.000 đồng/ngày là có thể thỏa thích đọc truyện cả ngày.
Có thể nói với nhiều dịch vụ nội dung hấp dẫn, giá cước hợp lý, các nhà mạng không chỉ tăng được doanh thu từ phát triển các dịch vụ mới, mà còn tạo nên một trào lưu sử dụng các dịch vụ đa phương tiện qua điện thoại di động.
KD

Ý kiến bạn đọc