Đến Ninh Thuận mùa xuân...
Đầu xuân rồi mà gió vẫn không ngừng thổi trên những giàn nho, thanh long. Bầy cừu, bầy dê nhởn nhơ trên vùng đồi cỏ. Có khi người ta bắt gặp từng bầy lang thang trên đường nhựa. Không khí có ấm lên một chút nhưng gió vẫn mạnh mẽ ào ạt như muốn níu kéo chút lạnh của những ngày cuối đông còn lại. Mặc gió gào, cái nắng ở đây thì vẫn ngang tàng hanh hao trên những gò đồi tháp cổ. Tháp Poklong Giarai vẫn mặc nhiên đứng cùng nắng hanh, gió gào từ thế kỷ 13 đến giờ.
Cách trung tâm thị xã Phan Rang - Tháp Chàm 7 km, tháp Poklong Giarai như một biểu tượng của Ninh Thuận. Bao người đi tàu đi xe vào Nam ra Bắc khi qua Ninh Thuận đều không khỏi ngước nhìn lên ngọn tháp Chăm sừng sững cao gần 20 m trên ngọn đồi Trầu. Song hành cùng du khách trên con đường lên tháp là những bụi cây bàn chải và những vạt cỏ cháy vàng lụi. Dưới chân tháp là một cột đá nằm nghiêng nghiêng trên vòng gạch tròn biểu tượng cho sinh thực khí linga và yoni. Gió trên đỉnh đồi thổi mạnh ngỡ như xô ngã được người. Du khách phải dằn từng bước chân một trên mặt đất đầy sỏi. Những gốc me, gốc bàng già nua vẫn làm bạn cùng ngọn tháp từ bao nhiêu năm.
Tháp Chàm Ninh Thuận |
Từ đỉnh đồi nhìn về phía đông, thị xã Phan Rang - Tháp Chàm nằm gọn trong tầm mắt du khách. Án ngữ phía Nam của thị xã là núi đá Cà Đú với nhiều hang động, ngõ ngách hiểm trở. Nơi đây từng là căn cứ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Hướng bên trái đồi là sân bay quân sự Thành Sơn. Phía sau đồi là dòng sông Dinh uốn lượn với đập Nha Trinh có từ thời vua Poklong Giarai… Từ ngày xây dựng khu di tích, cửa tháp luôn được mở để du khách ghé thăm.
Đến Ninh Thuận du khách đừng quên tắm biển Ninh Chữ. Buổi sáng tắm biển xong và thưởng thức món khoai mì trộn dừa nạo thì tuyệt vời, cả người ấm hẳn lên. Nếu đến biển vào buổi chiều, bạn có thể thưởng thức bánh xèo mực hay bánh căn trên những quán nhỏ ven đường. Những mái lều được căng tạm bợ bị gió biển thổi phần phật không đủ che ấm người cho khách ngồi ăn. Có thực khách vui tính ví von rằng khách đang ăn tránh bão. Vậy mà món bánh căn, bánh xèo ăn hoài vẫn không ngán. Có lẽ một phần nhờ cái lạnh cứ "thẩm thấu" dần vào người.
Bánh căn gần giống bánh khọt nhưng làm bằng bột gạo pha nếp, có nhân mực. Bánh xèo ở đây không ăn với bánh tráng mà khách chỉ cần gắp nguyên một bánh bỏ vào chén và chan vào tí nước nắm, bỏ rau sống vào là ngon. Nước chấm có ba loại: nước mắm đậu phộng, nước mắm nem, nước cá. Nhưng ngon và lạ nhất là bánh xèo ăn với nước mắm đậu phộng. Hoàng hôn trên biển Ninh Chữ cũng đầy lãng mạn với màu vàng mênh mang trên dãy núi ven biển cứ chuyển dần sang tím…
Về Ninh Thuận mùa lạnh, du khách còn có thể làm ấm người với món bánh canh chả cá hay chả cuốn trên đường Quang Trung, đường Ngô Gia Tự. Với giá vô cùng rẻ: 3.000 đồng, bạn thưởng thức được vị ngọt của món bánh canh, vị béo ngậy của trứng trong món chả cuốn. Bánh canh chả cá ở đây không cầu kỳ như của người Đà Nẵng nhưng vị ngọt của cá biển sẽ làm thực khách khó quên.
(Theo Quehuong Online)
Ý kiến bạn đọc