Cây Mai dương có nguy cơ phát triển mạnh ở Buôn Ma Thuột
Mai dương còn được gọi là Trinh nữ trâu, Trinh nữ tây, Móc mèo mỹ, tên khoa học là Mimosa pigra, thuộc họ Đậu có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Châu Mỹ. Đây là một loài cây bụi, mọc dày đặc và rất nhiều gai cứng. Cây Mai dương hiện được xem là một trong số những loài cỏ dại nguy hiểm nhất đối với các vùng đất ngập nước nhiệt đới. Theo báo cáo của Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay hầu hết trên các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện cây Mai dương, với diện tích gần 600 ha. Tại thành phố Buôn Ma Thuột, loại cây này cũng đã xuất hiện nhiều ở các xã, phường. Tại xã Hòa Phú, từ 500 cây phát hiện năm 1997, đến nay đã phát triển lên tới 20 ha.
Cây mai dương đang phát triển mạnh tại thôn 9 xã Hòa Phú. |
Sau khi có Chỉ thị 01, ngày 26-5-2009 UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn về việc đẩy mạnh công tác phòng, trừ thực vật xâm hại cây trồng trên địa bàn tỉnh, Trạm Bảo vệ thực vật TP. Buôn Ma Thuột đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tác hại của cây Mai dương, tổ chức tập huấn cách phòng trừ cho cán bộ và bà con nông dân tại 5 đơn vị : 3 xã Hòa Phú, Hòa Khánh, Hòa Xuân và 2 phường Khánh Xuân, Ea Tam. Tuy nhiên tập huấn xong không có địa phương nào tổ chức ra quân thực hiện, mà để cho người dân tự làm sạch tại diện tích nương rẫy của nhà mình. Còn ở những khu vực khác như ven sông, suối, bờ đê… cây Mai dương mặc sức phát triển.
Qua tìm hiểu được biết, sau tập huấn các địa phương cũng chỉ làm động tác vận động, còn việc tổ chức ra quân để chặt bỏ cây Mai dương thì không có điều kiện vì không có kinh phí; chưa nói đến các vật tư phương tiện như dầu đốt, máy ủi, máy kéo để đào, nhổ, sau đó gom lại đốt… Được biết cây Mai dương có chứa chất mimosin gây độc cho nhiều động thực vật, khi già cỗi chết đi xác của chúng phân hủy thành những chất độc hủy hoại môi trường nước; hạt có miên trạng tốt có thể giữ sức nảy mầm đến 23 năm.
Để kịp thời ngăn chặn sự phát triển và xâm lấn của cây Mai dương trên diện rộng ảnh hưởng đến cây trồng vật nuôi, làm hư hỏng các công trình đê điều và hệ thống thủy lợi, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền ứng dụng các biện pháp kỹ thuật hữu hiệu để diệt trừ cây Mai dương triệt để, cùng với việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, chính quyền địa phương cần quan tâm thường xuyên và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 01 của UBND tỉnh… Trước hếtá cần xây dựng các mô hình điểm diệt trừ cây Mai dương để người dân học tập và nhân rộng, bên cạnh đó bố trí một nguồn kinh phí phương tiện hợp lý nhằm giúp các địa phương có điều kiện tổ chức thực hiện các biện pháp diệt trừ cây Mai dương một cách có hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc