Có một người sống đẹp như tên
Không ai hiểu đời sống cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân thôn 5,6 và 7 (xã Ea Bar - huyện Buôn Đôn) bằng ông Trần Ngọc Mỹ. Bởi ngoài tình cảm đồng hương Bình Định, cùng lên đây lập nghiệp từ những năm 1982-1985, ông còn là người “đứng mũi chịu sào” cùng bà con vượt qua bao khó khăn để vươn lên…
Những dự định bất thành (!)
Bây giờ thì cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở đây đã tạm ổn rồi, nghèo đói không còn là nỗi ám ảnh dai dẳng như trước. Trong mỗi gia đình đã bắt đầu thấy sinh khí tươi vui trở lại nhờ cái nghề làm bánh tráng - vốn là nghề truyền thống của bà con ở Bình Định - mang theo lên từ hơn 20 năm trước. Ông Mỹ cảm khái tâm tình như thế rồi bảo: “Có được chút thành quả như ngày hôm nay mới thấy thấm thía về những tháng năm cơ hàn, bấp bênh thuở trước. Nhiều lúc cứ tưởng không thể vượt qua được vì sự túng bấn, nợ nần đè nặng lên vai mọi người, mọi nhà…”. Nói đến đây, giọng của người đàn ông tuổi đã ngoài 60 này bỗng đượm buồn và chùng xuống như thể trong lòng có vết thương chưa lành hẳn, nay lại nhói lên ray rứt…
Còn nhớ ngày đầu lên đây lập nghiệp, mỗi hộ dân được cấp chưa tới một sào đất nên không thể kiếm đủ cái ăn trên quỹ đất vốn ít ỏi ấy. Thế là nhà nhà lần lượt vào rừng khai thác củi về đốt than đem bán. Lâu dần thành quen và người ta coi nghề đốt than củi giống như nghề “truyền thống” vậy! Hộ nào cũng có kế hoạch đầu tư làm ăn hẳn hoi: cũng xe cày, xe thồ và hầm lò đủ kiểu. Mà tiền đầu tư vào đó đâu có ít - ông Mỹ nhớ lại. Có những hầm lò ngốn cả dăm, bảy triệu đồng, chưa kể các phương tiện khai thác, chuyên chở khác. Tiền ở đâu ra ư ? Thì người ta cũng làm đơn xin vay ngân hàng nông nghiệp huyện với lý do là để chăn nuôi, hoặc làm kinh tế phụ. Vào thời điểm những năm 1995-2000, khúc củi, lóng gỗ lấy ra trong rừng còn dễ, nên ai cũng nghĩ nghề than củi sẽ tồn tại lâu dài, chẳng ai cấm đoán, bắt bớ gì. Chịu khó lem luốt, cực nhọc thức hôm dậy sớm một chút, nhưng có tiền thì nợ vay ngân hàng lo gì không trả được. Cho đến đầu năm 2002, khi Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tăng cường những biện pháp cấp bách trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng” được ban hành và được chính quyền, Hạt kiểm lâm Buôn Đôn triển khai thực hiện thì cả “xóm than” này rơi vào cảnh cơ hàn. Có nhiều hộ đã trốn đi biệt xứ vì đã đến bước đường cùng, số còn lại không có cách nào hơn là phải tiếp tục chui lủi, lén lút đốt lò, bán than để sống qua ngày.
Nhìn thấy tình cảnh ấy, ông Mỹ nhận ra một điều: sớm muộn gì cái nghề “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt” kia cũng không bền, chi bằng tính kế lâu dài hơn. Vậy là từ năm 1999, ông Mỹ lấy tư cách là Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Hòa Nhơn chạy vạy, xin phép các cấp có thẩm quyền để được khai hoang khoảng 100 ha đất tại tiểu khu 1259 (xã Ea Nuôl- huyện Buôn Đôn) để giúp bà con trồng mía. Các cơ quan chức năng đồng ý, HTX cùng xã viên đóng góp tiền thuê xe vào ủi đất, đồng thời đặt mua giống mía từ Quảng Ngãi chở lên, khai hoang đến đâu thì trồng đến đó. Ai cũng tin rằng từ đây họ sẽ được đổi đời. Nào ngờ mọi việc đang tiến hành suôn sẻ thì UBND huyện Buôn Đôn ra quyết định đình chỉ việc san ủi đất trồng mía tại khu vực trên với lý do: để trồng rừng nguyên liệu. Thế là giấc mơ đổi đời của hàng trăm hộ dân thiếu đất ở đây bỗng chốc biến mất và họ lại quay về sống với nghề than củi như xưa(!)
Ông Mỹ xót xa lắm, nhất là khi nhìn thấy ngày càng có nhiều gia đình lún sâu vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” không cách gì gượng lên được. Giọng ông ngậm ngùi: “Không đói nghèo sao được khi người dân không biết bám víu vào đâu. Nghề than củi thì bị chính quyền nghiêm cấm; đứng ra tiếp tục vay vốn ngân hàng để chuyển đổi ngành nghề khác thì không được, vì nhà nào cũng quá nghèo, hơn nữa nợ cũ của ngân hàng đã quá hạn từ lâu mà chưa trả được”. Thế là đầu tháng 4-2005, ông lại cất công ngược xuôi, vận động người này, nhờ vả người khác trên huyện để thành lập đội máy cày cơ giới (thuộc HTX Hòa Nhơn) dựa trên ý tưởng rất thuyết phục rằng: HTX sẽ gom lại tất cả số hộ có xe càng trước đây dùng vào việc chở than củi lậu thành từng nhóm, sau đó đầu tư cho họ thêm một dàn xới cỡ vài ba triệu đồng để làm dịch vụ cày ruộng thuê cho những ai có nhu cầu ở địa phương và những vùng lân cận. Những tưởng đây là kế vẹn toàn, bởi người dân sẽ không còn làm cái nghề xâm hại tài nguyên rừng phi pháp như trước, mà chuyển sang một nghề chính đáng bằng sức lao động của mình, góp phần giải quyết cuộc sống vốn khó khăn và bấp bênh trước mắt. Vậy mà gần hai năm trôi qua, dự tính của ông Mỹ một lần nữa lại bất thành vì không nhận được sự quan tâm từ phía những người có trách nhiệm! Trong lòng ông lại ngập tràn nỗi buồn, nhưng không vì thế mà ông từ bỏ ý định kiếm tìm cơ hội để giúp bà con “xóm than” thoát cảnh đói nghèo!
Anh Trần Phước Hải (thôn 5, xã Ea Ba) có cuộc sống khấm khá nhờ bác Hai Mỹ dìu dắt từ nghề làm bánh tráng. |
Đúng là trời không phụ người có công tâm như ông Mỹ. Một ngày đầu tháng 7-2007, ông lên Buôn Ma Thuột có chút việc với Liên Minh HTX và Doanh nghiệp ngoài quốc doanh Dak Lak thì được nghe tin Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương bây giờ) đang có kế hoạch tìm và khảo sát một vài làng nghề truyền thống để đầu tư phát triển từ nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ. Thế là ông tức tốc tìm đến địa chỉ trên để trình bày kế hoạch khôi phục nghề làm bánh tráng vốn nổi tiếng của quê mình. Kế hoạch của ông được ghi nhận và sau hơn hai tháng về khảo sát, đánh giá thực tế, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển dịch vụ công nghiệp tỉnh đã đồng ý cấp vốn ban đầu cho 75 hộ dân thôn 5,6 và 7 (xã Ea Bar-huyện Buôn Đôn) để triển khai.
Mừng như bắt được của, ông Mỹ lại nỗ lực với công việc hơn bao giờ hết. Với số tiền mà trung tâm đầu tư không nhiều, chỉ 4 triệu đồng/ hộ, ông lại chạy lên huyện Buôn Đôn xin hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/hộ nữa để giúp bà con xây lò, mua sắm dụng cụ tráng bánh. Thời gian này, ông Mỹ như con thoi đi - về liên tục để nắm rõ tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các hộ trong vùng. Thấy bà con ăn nên làm ra, ông đề nghị trung tâm và chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ vốn cho 30 hộ nữa tham gia làng nghề; đồng thời ông đại diện HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Hòa Nhơn đứng ra ký cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho xã viên. Đó là kế hoạch lâu dài, chứ trước mắt ông bảo: bánh tráng của Hòa Nhơn làm ra bao nhiêu được tiêu thụ hết bấy nhiêu, không có gì phải lo ngại.
Hầu hết những người tham gia làng nghề bánh tráng ở đây đều yên tâm và phấn khởi trước công ăn việc làm của mình hiện tại. Anh Trần Phước Hải, Trần Vĩnh Dương, bà Trần Thị Sáu tự tin với kế hoạch của mình: sắp tới sẽ mở rộng thêm qui mô sản xuất vì đơn đặt hàng ngày một nhiều. Nào là bánh mè đặc biệt, bánh gạo mỏng cuốn nem chả… cứ làm ra bao nhiêu, khách hàng đến lấy bấy nhiêu. Hàng giao tận nhà, chứ không cần mang đi bỏ như trước. Họ nói: cũng nhờ bác Hai Mỹ mà cuộc sống của nhiều gia đình mới được như ngày hôm nay. Thu nhập bình quân hàng ngày từ 250-300 nghìn đồng từ nghề bánh tráng không những giúp họ đủ trang trải mọi chi tiêu thường nhật, mà còn tích lũy được để làm nhà mới. Ông Nguyễn Văn Lòng bộc bạch: Từ ngày bác Hai Mỹ đưa bà con đến với làng nghề bánh tráng, cuộc sống ở đây như cây khô bỗng có phép màu sống lại. Cũng nhờ cái nghề này mà gia đình tôi sửa sang lại được ngôi nhà, trả được nợ ngân hàng từ mấy năm trước trót vay về để “đốt” vào nghề than củi. Còn anh Huỳnh Văn Dưỡng, thôn trưởng thôn 5 nhớ lại ngày bác Hai Mỹ đang loay hoay tìm con đường giúp bà con thoát cảnh lấm lem than củi thì trên những con đường dẫn vào thôn 5, 6 và 7 của xã Ea Bar này, ngày cũng như đêm ầm ầm tiếng xe càng gầm rú, chở than củi và gỗ chạy bạt mạng theo những cuộc mưu sinh bấp bênh và tạm bợ. Nay không còn thấy cái cảnh hãi hùng và bất an ấy. Cuộc sống giờ có vẻ hối hả, rộn ràng hơn trước với tiếng máy xay gạo, tiếng nói cười và tiếng xe lăn bánh chở hàng hóa tấp nập vào ra - anh Dưỡng tâm sự trong nỗi vui mừng không giấu được.
Còn Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Hòa Nhơn Trần Ngọc Mỹ dự định: sắp tới ngoài việc mở rộng quy mô làng nghề bánh tráng ở đây, ông sẽ xúc tiến đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm công nhận làng nghề bánh tráng này; sau đó hướng đến mục tiêu là đăng ký chất lượng, mẫu mã và xây dựng cho được thương hiệu “Bánh tráng Hòa Nhơn” trong vài năm tới. Ông mơ ước đến lúc đó bánh tráng Hòa Nhơn được đi xa hơn và được nhiều người biết tới nhiều hơn… Ý tưởng này càng thôi thúc con người đầy tâm huyết lao vào công việc với một quyết tâm cao hơn bao giờ hết. Đặc biệt là vào trung tuần tháng 9-2009 vừa rồi, ông được thay mặt cho các làng nghề ở Dak Lak ra Hà Nội tham dự tọa đàm “Mỗi làng nghề một sản phẩm” do Bộ NN-PTNT phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tổ chức, càng giúp ông thêm tự tin và nỗ lực hơn cho mục tiêu của mình.
Trong năm 2011 làng nghề bánh tráng Hòa Nhơn sẽ được công nhận
Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương Dak Lak) Lê Thị Xuân Hạnh cho biết, Đề án xây dựng và công nhận làng nghề bánh tráng Hòa Nhơn đã được sở đưa vào kế hoạch công nhận trong năm 2011 này. Bà Hạnh đánh giá đây là một trong 3 dự án đầu tư xây dựng làng nghề có hiệu quả nhất từ năm 2007 đến nay trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn khoảng 20% trên tổng số 105 hộ tham gia làng nghề. Môi trường cũng như trật tự trị an đã được cải thiện đáng kể, không còn hộ nào vào rừng lấy gỗ, củi để đốt than. Điều đó đã góp phần giảm sức ép lên vốn tài nguyên rừng ở Buôn Đôn đang trên đà suy giảm hiện nay. Dự kiến trong năm 2011-2012, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Dak Lak sẽ tiếp tục khảo sát và hỗ trợ cho khoảng 75 hộ nữa ở các thôn 5,6 và 7- xã Ea Bar tham gia làng nghề trên thông qua HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Hòa Nhơn do ông Trần Ngọc Mỹ đảm trách. |
Ý kiến bạn đọc