Multimedia Đọc Báo in

Nữ thạc sĩ “nông nghiệp, nông thôn mới”

11:04, 11/07/2011

Thiên nhiên hùng vĩ, đất đai trù phú đã “níu chân” Châu Thị Minh Long quê Phú Yên gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên. 12 năm công tác tại Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, chị đã có gần 20 đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân.

Mô hình trồng cỏ cao sản chăn nuôi bò do thạc sĩ Châu Thị Minh Long triển khai ở xã Ea Phê, huyện Krông Pak đã góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu của bà con nông dân.
Mô hình trồng cỏ cao sản chăn nuôi bò do thạc sĩ Châu Thị Minh Long triển khai ở xã Ea Phê, huyện Krông Pak đã góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu của bà con nông dân.
Phát huy vai trò chủ thể của người dân
Thạc sĩ Châu Thị Minh Long chia sẻ, xây dựng nông thôn mới là một quá trình phát triển toàn diện về mọi mặt kinh tế, xã hội và môi trường khu vực nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống cho cư dân nông thôn; thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn - thành thị, giữa các vùng miền trên cả nước… Chữ mới ở đây không phải là thay thế cái cũ mà phải được hiểu là các giá trị vật chất, tinh thần, các hoạt động, lĩnh vực khác nhau trong nông thôn được duy trì, khôi phục, phát huy theo hướng tốt hơn; đồng thời xóa bỏ những cái không còn phù hợp. Do vậy, muốn thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, cần phải thay đổi nhận thức của người dân thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động, giúp họ hiểu đúng yêu cầu, nội dung trong xây dựng nông thôn mới. Không những thế, thay đổi nhận thức sẽ giúp người dân phát huy nội lực, sẵn sàng tiếp nhận và phát huy ngoại lực, coi đó là động lực cho sự phát triển, tránh tâm lý thụ động, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Thạc sĩ Châu Thị Minh Long dẫn chứng, trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập, một khi người dân đã nhận thức đúng đắn về chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng mô hình, phát huy nội lực của gia đình như: công sức lao động, tiền bạc, sẵn sàng đón nhận những hỗ trợ từ Nhà nước, coi đó là động lực cho phát triển sản xuất.

Trong những năm qua để hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế gia đình, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về vốn phát triển sản xuất, đất sản xuất, đất ở,  nhà ở, dạy nghề cho lao động nông thôn… Nhưng, hầu hết các chương trình mục tiêu Quốc gia này ít có sự tham gia, cộng đồng trách nhiệm của người dân nên hiệu quả đem lại không như mong đợi. Do đó, mấu chốt để xây dựng thành công mô hình nông thôn mới nhất thiết phải phát huy vai trò chủ thể của người dân. Sự chủ động phải bắt đầu từ mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc lập kế hoạch phát triển kinh tế, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dòng họ, buôn làng.

Thạc sĩ Châu Thị Minh Long còn xây dựng thành công mô hình thâm canh ngô lai ở xã Ea Phê, huyện Krông Pak
Thạc sĩ Châu Thị Minh Long còn xây dựng thành công mô hình thâm canh ngô lai ở xã Ea Phê, huyện Krông Pak
...Vẫn còn nhiều trăn trở
Năm 1998 tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Chăn nuôi Thú y Trường Đại học Tây Nguyên chị về công tác tại Viện Khoa học Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên. Làm việc tại một đơn vị đầu ngành về nghiên cứu nông - lâm nghiệp giúp chị có cơ hội gần gũi, hiểu rõ hơn về đời sống của nông dân, từ đó có những nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao. Chị và các đồng nghiệp đã dành nhiều thời gian, tâm sức nghiên cứu các đề tài khoa học như : “Xây dựng mô hình trồng cỏ để nuôi bò và cá nước ngọt trong nông hộ’, “Chuyển đổi vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò”, “Nghiên cứu phát triển chăn nuôi bò cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên”…

“Duyên nợ” với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mới càng bén chặt sau khi chị tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Hoạch định phát triển Nông thôn-Vùng tại Viện Công nghệ Châu Á (AIT), Thái Lan. Cùng một lúc chị đã thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu đề xuất xây dựng mô hình mẫu về phát triển nông thôn mới dựa vào cộng đồng tại xã Ea Phê, tỉnh Dak Lak” và đề tài “Nghiên cứu mô hình mẫu về phát triển nông thôn mới dựa vào cộng đồng tại một xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số bản địa ở tỉnh Lâm Đồng”. Hai đề tài này đã được Hội đồng khoa học của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Dak Lak và Lâm Đồng đánh giá cao.

Đầu tiên công việc đưa đẩy chị đến với lĩnh vực nông nghiệp, nhưng sau đó những vấn đề đặt ra trong đời sống của nông dân... đã mê hoặc nhà khoa học nữ này tự lúc nào. Chị hăm hở đến với những bản làng xa xôi, say sưa gặp gỡ bà con nông dân để tìm hiểu về đời sống, nhu cầu phát triển kinh tế. Trong những  câu chuyện chị kể, thấp thoáng một sự trăn trở, hiện nay việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất ở các vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Ngành nông nghiệp đối diện với những thách thức của biến đổi khí hậu. Làm thế nào để nghiên cứu gắn liền với thực tiễn và chuyển giao kết quả vào sản xuất; đồng thời phát triển nông nghiệp, nông thôn phải mang tính bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; thích ứng hoặc giảm thiểu tác động đến biến đổi khí hậu.

“Đã bước sang tuổi 36, nên dù đam mê nghiên cứu khoa học, nhưng mình vẫn phải luôn cố gắng hoàn thiện chính mình, luôn học hỏi và phải làm tốt công việc của người vợ, người mẹ. Là phụ nữ thì phải... "phụ nữ" mới được mọi người quý mến. Thật may mắn, khi mình có một chỗ dựa vững chắc là ông xã rất hiểu công việc của mình. Sự lạc quan, yêu đời trong mọi tình huống không chỉ là đức tính của người làm khoa học mà còn là phẩm chất của người phụ nữ trong cuộc sống”, thạc sĩ Long chia sẻ.

Năng động trong công việc, luôn tự tìm kiếm cho mình cơ hội để thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu khoa học, thạc sĩ Minh Long còn là một cán bộ công đoàn gương mẫu. Chị đã cùng với đoàn viên công đoàn ở Viện  tích cực tham gia các hoạt động phong trào, đặc biệt là việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Với những phẩm chất trên, chị đã vinh dự được kết nạp vào Đảng năm 2010, Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện Trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên nhận xét.

Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.