Multimedia Đọc Báo in

Buôn Prông B thoát nghèo nhờ mô hình nuôi thỏ

10:21, 28/09/2011

Buôn Prông B (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) hiện có trên 120 hộ dân, 100 % là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm trước đây, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn do sản xuất chủ yếu dựa vào những rẫy và những loại cây trồng ngô, đậu kém hiệu quả. Từ khi thực hiện nuôi thỏ gia đình theo mô hình làng nghề, đời sống của người dân nơi đây đã từng bước đổi thay…

Năm 2009, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với UBND TP. Buôn Ma Thuột triển khai thí điểm Đề án chăn nuôi thỏ gia đình theo mô hình làng nghề cho hơn 100 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong buôn. Tuy mức hỗ trợ ban đầu không nhiều (mỗi hộ 5 thỏ cái hậu bị và một thỏ đực giống, trị giá trên 500 nghìn đồng), nhưng nhờ sự hướng dẫn thường xuyên của các cán bộ thuộc Chi cục Thú y TP. Buôn Ma Thuột về kỹ thuật chăm sóc, đã giúp các hộ dân trong buôn phát triển mạnh mô hình nuôi thỏ gia đình. Ngoài sự giúp đỡ của cán bộ chuyên môn, bà con còn tự học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc… để áp dụng phù hợp với đàn thỏ nhà mình. Nhờ vậy, chỉ sau 2 năm triển khai đề án trên, đến nay, toàn buôn đã phát triển lên gần 5000 thỏ bố mẹ, với 118 hộ nuôi. Anh Y Wih Êban, Trưởng buôn Prông B cho biết: hầu hết số thỏ được hỗ trợ cho các gia đình ban đầu nay đã tăng lên từ 20-50 con thỏ bố mẹ/hộ.

Mô hình nuôi thỏ của gia đình chị H’Loan, buôn Prông B, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột luôn phát triển ổn định.
Mô hình nuôi thỏ của gia đình chị H’Loan, buôn Prông B, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột luôn phát triển ổn định.
Không chỉ nuôi thỏ trong đề án, người dân trong buôn còn biết bổ sung thêm cho chuồng nuôi những giống thỏ mới được mua từ Đà Lạt, Bình Dương, Đà Nẵng..., đặc biệt, có 3 hộ: ông Y B’Hiu Niê, Y Mai Niê và Y Tul Niê còn tiến hành nuôi thử nghiệm giống thỏ New Zealand có chất lượng thịt ngon hơn nhiều so với giống thỏ trong nước. Ông Y Mai Niê cho biết: gia đình ông đang nuôi cả 2 giống thỏ New Zealand và nội địa, gồm 25 thỏ bố mẹ nội địa và 15 thỏ giống New Zealand. Từ kinh nghiệm của mình ông chia sẻ: thỏ là loài dễ tính hơn so với các vật nuôi khác, chi phí đầu tư và công chăm sóc không nhiều, dễ thích nghi và ít dịch bệnh, chỉ cần giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, ăn uống đầy đủ là được. Hơn nữa, nguồn thức ăn cho thỏ cũng rất sẵn, có thể tận dụng rau, củ, quả trong vườn. Mỗi thỏ mẹ có thể đẻ được 7 đến 8 lứa/năm, mỗi lứa trung bình có từ 8-10 con, nuôi khoảng 30 ngày tuổi là có thể bán giống. Lứa này kế tiếp lứa khác, bình quân mỗi tháng gia đình ông xuất bán khoảng 100 thỏ giống (thu lãi trên 4 triệu đồng/tháng); thỏ thịt (mỗi lứa từ 90-100 ngày tuổi, trọng lượng 2,8- 3kg/con) mỗi năm ông thu lãi từ 20-30 triệu đồng. Khách hàng mua thỏ của bà con buôn Prông B cũng rất đa dạng, từ những người nông dân các địa phương trong tỉnh đến mua thỏ giống, cho đến các nhà hàng, khách sạn tại TP. Buôn Ma Thuột cũng thường xuyên tìm về buôn để đặt mua thỏ thịt. Việc nuôi thỏ đã đem lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân trong buôn, hơn hẳn việc canh tác cây trồng trước đây. Nhờ vậy, nếu như năm 2009, toàn buôn có 25 hộ nghèo thì đến nay, không còn hộ nghèo nào; nhiều hộ còn vươn lên làm giàu như gia đình anh Y Nul Niê, Y Mai Niê, Y Thút Byă…

Đánh giá về hiệu quả của đề án trên, anh Lê Hoa, Trưởng phòng chăn nuôi, Trung tâm khuyến nông Dak Lak cho biết, việc nuôi thỏ ở buôn Prông B tiến triển rất tốt, là một trong những mô hình điểm về giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm trật tự trị an trong buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Hy vọng, những mô hình chăn nuôi theo hình thức làng nghề như thế này sẽ được nhân rộng ra đến nhiều địa phương khác trong tỉnh.

Lê Thành

Ý kiến bạn đọc


(Video) Ngọt ngào câu ví, giặm
Với người dân xứ Nghệ (Nghệ An - Hà Tĩnh), dù xa quê hương lập nghiệp nơi miền đất mới nhưng họ vẫn không thể quên được làn điệu dân ca ví, giặm. Bởi đó chính là "máu thịt" gắn bó với đời sống của mỗi người, chất chứa tình cảm, cốt cách tâm hồn người xứ Nghệ…