Multimedia Đọc Báo in

Dân số tăng nhanh, môi trường càng suy thoái

18:48, 09/07/2010

Hơn 2.000 năm trước đây, trái đất chỉ có khoảng 250 triệu người; năm 1.820, tăng lên 1 tỷ; năm 1930, đã là 2 tỷ; 30 năm sau - năm 1960 - 3 tỷ; 15 năm sau - năm 1975 - 4 tỷ. Năm 1987 đã lên đến con số 5 tỷ. Năm 1998, dân số thế giới đạt 6 tỷ. Các nhà nghiên cứu dân số dự đoán với mức độ tăng như hiện nay thì đến năm 2055, số dân sẽ lên tới 10 tỷ người. Sự bùng nổ dân số trên toàn thế giới đã ở mức báo động.
 Dân số Việt Nam cũng tăng nhanh qua các thời kỳ: Năm 1.900,  chỉ có 13 triệu người; năm 1930, sau 30 năm, 17 triệu người; năm 1945, 25 triệu người; năm 1960, sau 15 năm, 30 triệu người; năm 1989, hơn 46 triệu người; năm 1998, 77,9 triệu người và hiện nay là 86 triệu người. Với quy mô dân số đó, Việt Nam đúng thứ 2 trong khu vực Đông - Nam Á (sau Inđônêsia); thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêsia, Nhật Bản, Bangladesh, Pakistan; thứ 12 trên thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Indonesia, Brazil, Nga, Nhật Bản, Nigeria, Bangladesh, Pakistan Đức). Theo dự báo của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), số dân Việt Nam sẽ tăng lên 110,1 triệu người vào năm 2025.

Với số dân tăng nhanh như vậy, nguồn tài nguyên hiện có trên trái đất còn nuôi sống loài người được bao lâu nữa ? Đó là câu hỏi khó trả lời. Chỉ biết chắc chắn rằng, con người đã dùng những phương tiện kỹ thuật hiện đại khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên đó để phục vụ cuộc sống của mình và đã làm suy thoái môi trường một cách nhanh chóng.

Khai thác tài nguyên dẫn đến môi trường nước bị ô nhiễm và cạn kiệt (Ảnh: T.L)

Khai thác tài nguyên dẫn đến môi trường nước bị ô nhiễm và cạn kiệt

(Ảnh: T.L)

Vào thế kỷ 18, diện tích rừng toàn thế giới là khoảng 7,6 tỷ ha, song hiện nay chỉ còn 2,8 tỷ ha. Năm 1981, trên thế giới, người ta đã phá đi 7,5 triệu ha rừng nhiệt đới.  Đến năm 1987, diện tích rừng bị hủy hoại đã lên tới 17 triệu ha. Hiện nay, trên 40% diện tích rừng nhiệt đới đã biến mất, gây ra biết bao hậu quả nghiêm trọng. Đất đai bị xói mòn, trở nên cằn cỗi, không thể trồng trọt được. Mất rừng gây nên những trận lũ lụt khủng khiếp, lũ quét, lũ bùn, lũ đá…ở một số nước, đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng và gây ra nạn đói cho hàng triệu người trên trái đất. Con người đã phải trả giá quá đắt cho hành động phá hoại môi trường của mình.
 
Hiện nay, 60% số nước trên thế giới ở trong tình trạng thiếu nguồn nước ngọt. Và do khai thác quá mức nguồn nước ngọt, nhiều khu vực trên thế giới đã có hiện tượng mặt đất bị sụt lở và hạ thấp. Sự đa dạng sinh học phần lớn tập trung trong các hệ sinh thái rừng, đặc biệt là các khu rừng mưa nhiệt đới, giữ vai trò ổn định môi trường… Mất rừng đồng nghĩa với việc mất đi nhiều loại thực vật hoang dã, trong đó có nhiều loài dược liệu quý giá, mất nơi ở của nhiều loài động vật hoang dã. Một số loài không còn đủ nơi sinh sống đã xung đột với con người. Các nhà sinh vật cảnh báo rằng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều loài động vật hoang dã bị tuyệt chủng, nếu nạn săn bắt không được ngăn chặn có hiệu quả. Mất rừng sẽ gây nên sự mất cân bằng sinh thái, đẩy loài người trước những thách thức với những hậu quả thật to lớn.
 
Sự khai thác đất đai trồng cây lương thực ở các nước nghèo và đang phát triển thường không chú ý đến khả năng phục hồi đã làm suy thoái lớp đất màu mỡ. Loài người đã biến 10% đất rừng rậm rạp trở thành sa mạc khô cằn, hiện có khoảng 4,5 tỷ ha đất không thể trồng trọt được. Hằng năm, toàn thế giới mất đi khoảng 21 triệu ha đất canh tác. Các chất thải công nghiệp, từ các phương tiện giao thông, từ chính các sản phẩm thừa của con người đã gây ô nhiễm các nguồn nước, đất, không khí và biển cả. Nguy cơ này đến nay đã mang tính toàn cầu, rất khó được cải thiện, nếu tốc độ gia tăng dân số không được kiềm chế.
 
Môi trường nước ta cũng nằm trong tình trạng chung đó. Năm 1945, rừng nước ta chiếm khoảng 44% diện tích toàn lãnh thổ. Đến năm 1989, diện tích rừng còn lại 26,5%. Diện tích rừng giảm, ngoài nguyên nhân do chiến tranh tàn phá, còn có nguyên nhân chủ yếu là do con người khai thác lâm sản, đốt rừng lấy đất canh tác. Trung bình hằng năm, diện tích rừng mất đi 110.000 ha, trong khi những năm qua, chúng ta trồng hơn 600.000 ha, chỉ bù đắp được khoảng 50% diện tích rừng bị mất.
 
Trong vài thập kỷ qua, trái đất ngày càng nghèo và xơ xác hơn, đe dọa sự sống của con người. Nhưng trớ trêu thay, lại chính con người là thủ phạm gây ra những thay đổi ghê gớm đó. Trước hết, phải kể đến sự bùng nổ dân số trên phạm vi toàn thế giới. Ngày nay, loài người chỉ có hai cách lựa chọn. Một là tiếp tục con đường “cưỡng bóc” vô tội vạ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, và cuối cùng là đi đến chỗ nghèo đói, bệnh tật, tình trạng lạc hậu, kém phát triển và mọi thảm họa khác. Hai là, thích ứng với thiên nhiên, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, tạo ra sự cân bằng giữa tăng dân số của loài người, sản xuất vật chất của con người và môi trường, tài nguyên thiên nhiên mà trái đất có được. Chỉ có hạn chế sự gia tăng dân số mới có khả năng đẩy lùi sự nghèo đói và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Loài người là một bộ phận của thiên nhiên, luôn phụ thuộc vào thiên nhiên. Mọi hoạt động của con người phải đặt trong giới hạn nhất định của thiên nhiên, sức chịu đựng của trái đất và khả năng hồi phục của nó.
 
Dân số là một biến số của bài toán: dân số với môi trường, dân số với tài nguyên, dân số với phát triển, dân số với chất lượng cuộc sống, dân số với lao động và việc làm, dân số với chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, dân số với giáo dục nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài… Rõ ràng, vấn đề dân số mang tính toàn cầu, có ý nghĩa chiến lược đối với hầu hết các nước, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Nguyễn Xuyến (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc