Huyện Cư M’gar: Ô nhiễm môi trường từ bãi rác tập trung
Việc quy hoạch bãi rác ở vùng nông thôn là một trong những yếu tố giúp bảo vệ môi trường sống cho người dân. Tuy nhiên, nếu quy hoạch không hợp lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Đây là một thực trạng diễn ra từ hàng chục năm nay ở bãi rác huyện Cư M’gar.
Bãi rác huyện Cư M’gar nằm trên địa bàn xã Quảng Tiến, có diện tích khoảng 0,5 ha, là nơi chôn lấp chất thải sinh hoạt được thu gom từ các hộ gia đình ở xã Quảng Tiến và thị trấn Quảng Phú. Bãi rác tập trung này nằm bên cạnh đoạn đường liên xã từ Quảng Tiến đi xã Ea M’nang và các xã khác như Quảng Hiệp, Ea Md’roh… Cũng chính vì thế mà đoạn đường này đã trở thành “nỗi ám ảnh” của người dân các xã mỗi khi họ phải đi qua. Không những vậy, xung quanh bãi rác là nương rẫy trồng cà phê, tiêu và một số nhà dân sinh sống; điều này ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng, đời sống và sức khỏe của các hộ dân. Anh Cao Xuân Cảnh, một người dân sống gần bãi rác bức xúc nói: “Năm 2000, gia đình tôi chuyển đến đây ở thì bãi rác này đã có và rất ô nhiễm từ trước đó. Vào mùa mưa nước thải chảy tràn vào sân nhà và mùi hôi bốc lên đến ngạt thở; còn mùa nắng thì ruồi, muỗi bay đầy nhà. Do đó, nhà tôi lúc nào cũng phải đóng cửa kín mít”. Điều đáng nói ở đây là phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường như thế này, thì liệu sức khỏe lâu dài của người dân sẽ bị ảnh hưởng ra sao. Quá bức xúc vì tình trạng này, nhiều lần người dân phản ánh thì Công ty TNHH Vệ sinh Môi trường và Đô thị Cư M’gar chỉ xử lý bằng cách đốt hoặc ủi rác vào phía trong bãi, nhưng chỉ một thời gian sau thì tình trạng rác thải lại tràn ra đường.
Rác thải tràn ra đường từ bãi rác tập trung của huyện Cư M'gar. |
Đến đoạn đường này, cảnh tượng rác thải và bao ni lông chất thành đống, tràn ra cả đường đi dài khoảng 300m thật là khó chịu. Mỗi khi có xe ô tô chạy qua, hay gió lớn thì rác thải và những chiếc bao ni lông lại bay lên tung tóe, nhiều khi còn bay vào tận nhà dân sống gần đó. Từ xa, khi đi chưa đến đoạn đường này, người đi đường đã cố gắng nín thở và chạy xe thật nhanh để thoát nạn hãi hùng này. Theo ông Nguyễn Đình Tô, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến, bãi rác tập trung xuất hiện từ trước khi thành lập xã Quảng Tiến. Do việc quy hoạch không hợp lý, nên đã tác động xấu đến cảnh quan và môi trường xung quanh. Mặc khác, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của những người trồng cà phê, tiêu và các loại cây trồng khác ở gần đó. Chính quyền cũng đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên để xử lý việc ô nhiễm từ bãi rác này, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào cả. Nơi đây, không chỉ là chôn lấp chất thải sinh hoạt hằng ngày của người dân và các cơ sở sản xuất, mà đó còn là nơi tiêu hủy xác động vật chết như heo, gà. Đợt dịch heo tai xanh trong năm 2010, bãi rác là nơi chôn lấp hàng trăm con heo bệnh của các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện. Trước thực trạng này, việc ô nhiễm môi trường càng trầm trọng hơn mỗi khi trời mưa, nước thải chảy tràn ra đường, vào nhà dân và nương rẫy xung quanh khu vực. Gần bãi rác này, nhiều người đã phải treo biển bán nương rẫy để mong thoát khỏi “hiểm nguy rình rập”, thế nhưng biển treo đó mà chẳng ai dám mua vì nó nằm ngay cạnh bãi rác.
Trước phản ánh của người dân và chính quyền xã Quảng Tiến, ông Phạm Ngọc Thái, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Cư M’gar cho biết: “Để xử lý bãi rác này đòi hỏi phải xây dựng bãi rác khác, nhưng hiện tại việc quy hoạch bãi rác mới rộng gần 20 ha vẫn đang còn nằm trên giấy tờ, do không có kinh phí thực hiện. Với nguồn kinh phí eo hẹp, chúng tôi cũng chỉ có những biện pháp nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm tạm thời như: đốt, san lấp, phun hóa chất tiêu độc khử trùng”. Thiết nghĩ, vấn đề đầu tư xây dựng bãi rác tập trung cho các vùng nông thôn là một nhu cầu bức thiết, cần được đầu tư thỏa đáng. Bởi nếu không được quan tâm đầu tư, xây dựng kịp thời thì với lượng rác thải lớn như hiện nay, khoảng vài năm nữa không riêng gì bãi rác huyện Cư M’gar, mà một số bãi rác ở các địa phương khác cũng sẽ không còn chỗ chứa; và đối tượng trực tiếp gánh chịu hậu quả từ việc ô nhiễm này chính là những người dân sống quanh khu vực chôn lấp rác thải.
Ý kiến bạn đọc