Multimedia Đọc Báo in

Thời tiết tháng 1-2012: Tây Nguyên nắng, khô và lạnh hơn

08:43, 10/01/2012
Tháng 1 nằm trong thời kỳ giữa mùa khô của Tây Nguyên với đặc điểm thời tiết chủ yếu là hanh khô, gió mạnh; ban ngày trời nắng, đêm và sáng sớm trời lạnh; vùng núi cao có ngày xảy ra rét buốt và có sương giá. Nhiệt độ trung bình ngày ở hầu hết các vùng trong khu vực đạt từ 20-24oC; chênh lệch nhiệt độ ngày đêm đạt mức cao nhất trong năm, phổ biến từ 14-17oC. Đặc điểm thủy văn nổi bật trong tháng 1 ở Tây Nguyên hằng năm là sự khan hiếm nguồn nước tự nhiên, hầu hết các vùng đều ít hoặc không có mưa, lượng dòng chảy sông suối, ao hồ cạn kiệt dần đến mức khan hiếm; nhiều suối nhỏ chuyển sang thời kỳ cạn kiệt hoàn toàn. 

Tháng 1-2012, thời tiết ở Tây Nguyên có xu thế diễn biến theo chiều hướng phù hợp với quy luật chung. Kiểu thời tiết phổ biến trong tháng là trời khô hanh, không mưa, đêm và sáng sớm trời lạnh; gió Đông, Đông Bắc mạnh cấp 2, cấp 3, có ngày, có nơi mạnh trên cấp 3; ở các vùng núi cao trong những ngày có không khí lạnh tăng cường mạnh trời trở rét; có nơi có mưa nhỏ, mưa phùn, và có sương mù vào sáng sớm. Trong tháng, độ ẩm không khí giảm dần trong khi số giờ nắng tăng mạnh; phổ biến các vùng có độ ẩm trung bình đạt dưới 80%, có ngày có nơi xuống dưới 70%. Hầu hết các ngày trong tháng đều có nắng với số giờ nắng trung bình từ 8 – 10 giờ/ngày. Các nguồn nước tự nhiên, bao gồm mực nước và lượng nước trên các sông suối, ao hồ, nước ngầm tiếp tục xu thế giảm dần; một số sông suối do ảnh hưởng điều tiết của các hồ chứa nên mực nước có dao động nhỏ. Trong tháng, lượng nước tự nhiên còn khá phong phú, có thể bảo đảm nhu cầu cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của các ngành, các địa phương. Tuy nhiên, do nhu cầu dùng nước sẽ tăng cao nên nếu không thực hiện các biện pháp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước ngay từ lúc này thì khả năng tình trạng khan hiếm thiếu nước sẽ xảy ra trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2012, nhất là ở các vùng xa các sông suối và hồ đập lớn. Ở các nơi này, cần sớm có các biện pháp khai thác và phân phối hợp lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước để tránh những rủi ro thiệt hại do khô hạn thiếu nước gây ra trong thời gian cuối vụ.

A
Thời tiết hanh khô dễ gây ra nguy cơ cháy rừng. (Ảnh có tính chất minh họa)

Do tính chất khô hanh, lạnh và có gió mạnh nên thời tiết tháng 1 thường ít thuận lợi đối với đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân; các loại thiên tai, dịch bệnh như hỏa hoạn, cháy rừng do thời tiết khô hanh và có gió mạnh có nguy cơ xảy ra; giá rét đối với người, vật nuôi và cây trồng cùng các dịch cúm gia cầm, dịch bệnh tai xanh, bệnh dại,...

Để hạn chế thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra, các cấp, các ngành và nhân dân các địa phương cần chú ý làm các công việc sau: Che chắn nhà ở và chuồng trại chăn nuôi để hạn chế gió lạnh lùa vào, nên mặc đầy đủ áo ấm, ăn no bằng thức ăn nấu chín, ủ ấm nước đã đun sôi để uống; nên chăn thả gia súc, gia cầm vào ban ngày, ban đêm, gia súc (trâu, bò, dê) phải được nhốt trong chuồng và cho ăn thêm rơm, cỏ khô. Cần tiêm phòng dịch cho gia súc và gia cầm. Tích cực chăm bón, tưới nước cho cây trồng; thường xuyên thăm nom ruộng rẫy để kịp thời phát hiện sâu bệnh từ đó áp dụng các biện pháp phòng trừ hiệu quả.  Cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết để biết khi nào trời ấm để đi trồng hoặc dặm những cây trồng bị chết hoặc không lên được do giá rét. Chỉ tiến hành gieo trồng mới hoặc trồng dặm khi có thông báo không còn rét đậm hoặc rét hại nữa. Tăng cường gieo trồng các loại rau màu ngắn ngày, có khả năng chịu rét như rau cải, cải bắp, su hào, đậu ve, dưa,… Khi có gia súc, gia cầm bị chết cần báo cho cán bộ thú y xã để thực hiện tiêu hủy. Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chăn kịp thời các hành vi chặt phá rừng; đốt lửa bừa bãi gây hỏa hoạn hoặc gây cháy rừng.

 Nguyễn Văn Huy

(Trung tâm KTTV tỉnh Kon Tum)

 


Ý kiến bạn đọc