Xử lý ô nhiễm môi trường: “nói một đằng, làm một nẻo”?!
Mới đây, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đã ra quyết định xử phạt hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Cà phê Ea Pốk 91 triệu đồng (Báo Dak Lak đã phản ánh) do không tuân thủ việc xử lý nước thải đúng theo đề án bảo vệ môi trường đã cam kết với cơ quan chức năng. Đây thật sự là lời cảnh báo trước thực trạng “nói một đằng, làm một nẻo” của một số cơ sở, doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh nông, lâm sản trên địa bàn Dak Lak.
Đây không phải là vụ việc được phát hiện, xử lý đầu tiên ở Dak Lak và càng không phải là DN cuối cùng vướng vào (thậm chí xem thường) công tác xử lý ô nhiễm môi trường tại địa bàn họ đứng chân. Từ năm 2008 đến nay, đã có không ít đơn thư của người dân kêu ca, phàn nàn về tình trạng ô nhiễm môi trường do các DN gây ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đầu tiên phải kể đến là Nhà máy chế biến tinh bột sắn Quán Quân-Tây Nguyên đứng chân trên địa bàn xã Ea Kiết (Cư M’gar). Tại đây, nước thải ra từ nhà máy đã “giết chết” các con suối quanh đó và khiến đời sống sản xuất, sinh hoạt của hơn 200 hộ dân sống gần nhà máy gặp rất nhiều phiền toái và khó khăn. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã nhiều lần yêu cầu nhà máy phải khắc phục ngay tình trạng trên, nhưng phải mất hơn một năm, vấn nạn ô nhiễm môi trường ở đây mới được giải quyết. Còn hiện nay, tại xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) và Cư Suê (Cư M’gar) người dân tiếp tục phàn nàn tình trạng ô nhiễm môi trường do Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thành Vũ và các cơ sở sản xuất trong Cụm công nghiệp (CCN) Tân An, TP. Buôn Ma Thuột gây ra.
Người dân kêu ca, phàn nàn là hoàn toàn có cơ sở khi Sở TN-MT phối hợp với các ban ngành liên quan tiến hành kiểm tra thì mới biết, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thành Vũ chưa thực hiện đầy đủ các nội dung đã phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Còn ở CCN Tân An, kết quả kiểm tra mới đây cho thấy, hầu hết các nhà máy đều xử lý chất thải theo phương án cục bộ, mạnh ai nấy làm, vì chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đồng bộ, nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đối với các khu dân cư liền kề, trong đó có xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) là không tránh khỏi! Tất nhiên, cơ quan chức năng cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị sản xuất tại CCN có phương án khắc phục, xử lý trước mắt.
Còn về lâu dài? Một chuyên viên đánh giá tác động môi trường của Sở TN-MT, cho rằng, cứ làm ăn theo kiểu “nói một đằng, làm một nẻo” như thế này thì việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây sẽ còn kéo dài chưa có hồi kết. Để khắc phục tình trạng này phải mất nhiều thời gian, tiền của và công sức của nhiều cấp, nhiều ngành. Hơn thế, việc xử lý vấn nạn ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng không ít đến việc quy hoạch, phát triển các mục tiêu kinh tế-xã hội và đời sống dân sinh tại một số địa phương, cũng như không phải là chuyện “ngày một, ngày hai”. Theo ông Nguyễn Như Mạo - Phụ trách CCN Buôn Ma Thuột thì ngoài các yếu tố về công nghệ, quy trình vận hành… thì quỹ đất dành cho việc xử lý môi trường cần phải được tính toán thêm. Tuy nhiên, nếu như xử lý ô nhiễm môi trường được các nhà đầu tư quan tâm thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm hơn dưới sự giám sát, quản lý sát sao của cơ quan chức năng thì đâu đến nỗi phải vá víu, chắp nhặt như thời gian qua, khiến người dân bức xúc.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc