Multimedia Đọc Báo in

Ea M'droh đang thiếu nước

09:53, 16/03/2018

Tuy mới đầu mùa khô nhưng nhiều hệ thống suối, hồ, đập thủy lợi của xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar) đang cạn dần, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, sản xuất bắt đầu hiện hữu tại các thôn, buôn.

Ea M’droh là xã thuần nông có 11 thôn, buôn với hơn 1.780 hộ, hơn 8.280 khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 70% dân số của xã. Tổng diện tích tự nhiên toàn xã hơn 5.450 ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp hơn 5.350 ha. Người dân Ea M’droh chủ yếu lấy nước sản xuất tại suối Ea M’droh, Ea Rếch, đập Ea Rếch… Tuy nhiên, từ cuối tháng 2, mực nước tại các con suối, hồ đập bắt đầu giảm mạnh. Đặc biệt là suối Ea M’droh chảy qua các thôn, buôn đã cạn trơ đáy vào đầu tháng 3 đến nay, khiến hàng trăm ha cây trồng dọc tuyến suối bị thiếu nước sản xuất. Gia đình ông Trần Văn Hòa, buôn Ea M’droh có 1 ha cà phê xen canh hồ tiêu bên dòng suối này, nhưng từ đầu tháng 3 đến nay suối cạn, không có nước để tưới, nhiều cây cà phê, hồ tiêu trên vườn đã xuất hiện hiện tượng vàng lá, héo rũ vì thiếu nước tưới. Nhận định tình trạng thiếu nước sẽ kéo dài và chưa tìm ra giải pháp khả thi nên ông bỏ bê. Chăm sóc cây trồng vốn còi cọc lại càng khô héo, cằn cỗi nên nguy cơ mất trắng nếu không có mưa đang hiện hữu. Tương tự, gia đình ông Châu Khánh Thi trú cùng buôn cho hay, vườn cà phê rộng 7 sào của gia đình đã già cỗi nên khả năng chống chịu với hạn hán rất kém. Đến thời điểm này gia đình đã tưới 3 đợt nhưng giờ suối đã cạn, không tìm được nguồn nước thay thế nên nhiều cây đã xuất hiện hiện tượng héo rũ, thậm chí một số cây tiêu xen canh đã chết khô do thiếu nước. Gia đình cũng dự định khoan giếng nhiều năm nay, nhưng không thực hiện được vì thiếu kinh phí. Trong khi đó, nhiều hộ trong vùng khoan giếng 3-4 lần đã không trúng mạch nước hoặc trúng nhưng nước rất yếu chỉ đủ để sinh hoạt mà thôi.

Cán bộ nông nghiệp xã kiểm tra tình hình hạn tại một vườn tiêu bị ảnh hưởng  do thiếu nước.
Cán bộ nông nghiệp xã kiểm tra tình hình hạn tại một vườn tiêu bị ảnh hưởng do thiếu nước.

 

Vụ đông xuân 2015-2016 toàn xã có 750 hộ dân (3.560 nhân khẩu) thiếu nước sinh hoạt; hơn 1.450 ha cà phê, hồ tiêu bị thiệt hại do hạn hán (chiếm gần 68% tổng diện tích cà phê); 50 ha lúa bị giảm năng suất (giảm gần 50%)...

Bên cạnh đó, đập Ea Rếch cung cấp nước tưới cho hơn 200 ha cà phê và lúa ở thôn Đồng Giao và Đại Thành cũng đang cạn kiệt dần. Theo tính toán của bà con nông dân, nếu không có mưa thì đến tháng 4-2018 đập sẽ không còn nước để phục vụ sản xuất. Đáng báo động hơn, mực nước ngầm trên địa bàn cũng tụt giảm mạnh so với những năm trước. Gia đình ông Ama Hanh, buôn Cuôr có khoảng 1 ha cà phê chủ yếu sử dụng nước giếng khoan sâu 75 m để tưới. Những năm trước vườn cây cơ bản được đáp ứng nhu cầu về nước tưới nên sinh trưởng tốt, năng suất bình quân đạt khoảng 2,3 tấn nhân/ha. Tuy nhiên, năm nay mới đầu mùa khô nhưng lượng nước khai thác tại giếng khoan giảm mạnh, mỗi lần bơm chỉ tưới được khoảng 100 cây, sau đó phải chờ khoảng 10 tiếng, thậm chí sang ngày hôm sau mới có đủ nước để tiếp tục tưới nên rất tốn công.

Gia đình chị H’Nghiêm phải sử dụng nước ao để sinh hoạt.
Gia đình chị H’Nghiêm phải sử dụng nước ao để sinh hoạt.

Không chỉ thiếu nước sản xuất, hiện tượng thiếu nước sinh hoạt đã bắt đầu xảy ra trên địa bàn xã. Chị H’Nghiêm trú buôn Ea M’droh cho biết, gia đình chị đào giếng để phục vụ sinh hoạt và sản xuất nhưng mới đào được hơn 10m đã gặp đá tảng loại lớn nên giếng rất cạn, nước ít, đến thời điểm này thì không còn nước để sinh hoạt. Vì vậy, hằng ngày chị phải múc nước ao tích trữ vào bồn nhựa để tắm, giặt, rửa rau, chén bát… còn nước dùng để nấu ăn, uống thì sang nhà hàng xóm xin về dùng một cách tằn tiện khiến việc sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Phan Trọng Thi, cán bộ nông nghiệp xã Ea M’droh cho hay, để sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu theo chỉ đạo của UBND tỉnh, địa phương đã xây dựng lịch sản xuất né hạn bằng cách sạ lúa sớm và chờ mưa xuống mới trồng rau màu do đó nhiều diện tích lúa đến nay đã thu hoạch xong, số còn lại cũng đang trong giai đoạn chắc hạt, chín dần. Tuy nhiên, năm nay hạn đến sớm hơn so với những năm trước vì vậy tình trạng thiếu nước sản xuất, sinh hoạt bắt đầu xảy ra rải rác trên địa bàn xã. Để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra, xã đã thông tin đến các thôn, buôn sử dụng nước tiết kiệm, ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi và cây công nghiệp dài ngày.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.