Multimedia Đọc Báo in

Nhiều kỳ vọng ở Chương trình truyền thông thí điểm 3R

08:54, 16/06/2018

Mặc dù chưa được chính thức phê duyệt nguồn kinh phí, nhưng nhiều hoạt động của Chương trình thông tin, giáo dục, truyền thông thí điểm 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) về quản lý chất thải rắn tại TP. Buôn Ma Thuột đã được khởi động, mở ra những tín hiệu tích cực trong giải quyết ô nhiễm môi trường.

Đó là một buổi sáng thật đặc biệt đối với 80 em nhỏ và phụ huynh tại Trung tâm Đào tạo và Phát triển kỹ năng Tây Nguyên. Lần đầu tiên, các em được nghe chuyên gia môi trường giải thích cặn kẽ về rác thải nguy hại, rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ, cách tái chế rác thải. Sau buổi học, các em tham gia đi bộ diễu hành, thu gom rác thải, làm sạch một số tuyến đường trung tâm và thực hành phân loại rác theo hướng dẫn. Hiểu được ý nghĩa của việc mình làm, các em gần như quên hết mệt mỏi, xin được nhặt rác thêm ở các tuyến đường khác để chung tay bảo vệ môi trường. Buổi học đặc biệt này chính là một trong những hoạt động của Chương trình truyền thông thí điểm 3R về quản lý chất thải rắn tại TP. Buôn Ma Thuột.

Các em thiếu nhi Trung tâm Đào tạo và Phát triển Kỹ năng Tây Nguyên vẽ tranh về chủ đề môi trường.
Các em thiếu nhi Trung tâm Đào tạo và Phát triển Kỹ năng Tây Nguyên vẽ tranh về chủ đề môi trường.

Khởi động những hoạt động đầu tiên từ giữa tháng 5-2018, Ban điều phối chương trình đã tiến hành lựa chọn tuyên truyền viên từ các xã phường, triển khai 2 buổi tập huấn khảo sát về nhận thức, hành vi ban đầu của các đối tượng tham gia và 1 hoạt động truyền thông trong môi trường giáo dục. Với mục tiêu thay đổi nhận thức và hành vi của người dân trong việc phân loại rác thải, Chương trình sẽ triển khai thí điểm tại 500 hộ dân thuộc địa bàn phường Thống Nhất (79 hộ), phường Ea Tam (241 hộ) và xã Hòa Phú (180 hộ). Trong quá trình truyền thông, Ban điều phối chương trình sẽ lựa chọn 40 hộ có đủ điều kiện thực hiện ủ phân tại nhà để hướng dẫn người dân tự phân loại và ủ phân bón cho cây trồng. Phần rác hữu cơ của các hộ còn lại được xe chuyên dụng vận chuyển về bãi rác Cư Êbur. Tại đây, rác thải hữu cơ sẽ trở thành nguyên liệu sản xuất phân bón để cấp cho một số mô hình thử nghiệm và sử dụng vào hoạt động ươm trồng, chăm sóc cây xanh của Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk.

Chương trình được thực hiện liên tục trong 7 tháng, chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 kéo dài 2 tháng với các hoạt động tập huấn cho các tuyên truyền viên và khảo sát kiến thức, thái độ, hành vi của các đối tượng tham gia. Giai đoạn 2, trong vòng 4 tháng, các đơn vị có liên quan sẽ từng bước tiến hành phân loại, thu gom riêng biệt và xử lý ủ phân từ rác hữu cơ. Tháng cuối cùng dành cho các hoạt động phân tích, đánh giá để có cái nhìn tổng quan về toàn bộ chương trình.

Các em thiếu nhi thực hành phân loại rác thải theo hướng dẫn.
Các em thiếu nhi thực hành phân loại rác thải theo hướng dẫn.

Với nhiều hoạt động đa dạng từ tập huấn, hội thảo, phỏng vấn và tuyên truyền trực tiếp kết hợp với chiến dịch truyền thông,  thi vẽ tranh theo chủ đề môi trường tại các trường học, Chương trình truyền thông thí điểm 3R sẽ tác động mạnh đến nhận thức, ý thức của người dân để dần thay đổi hành vi. Đây cũng là chương trình nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ UBND TP. Buôn Ma Thuột cũng như chính quyền cơ sở và các đơn vị đoàn thể, trường học. Theo bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước Buôn Ma Thuột - thành viên Ban điều phối Chương trình truyền thông thí điểm 3R, đơn vị cấp vốn vay ODA cho chương trình là Ngân hàng Phát triển Châu Á đang đặt rất nhiều kỳ vọng, nếu giai đoạn thí điểm được thực hiện thành công sẽ làm tiền đề cho việc thực hiện dự án phân loại rác thải tại nguồn trên toàn địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Theo số liệu từ Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk, trung bình mỗi ngày, một gia đình tại Buôn Ma Thuột phát sinh hơn 2,2 kg rác thải, trong đó rác hữu cơ chiếm phần lớn, lên đến gần 80% tổng trọng lượng. Phương thức xử lý chính hiện nay vẫn chỉ là thu gom toàn bộ để chôn lấp tại bãi rác Cư Êbur. Thực trạng này khiến cho hầu hết rác thải không được tái chế, tái sử dụng, gây ô nhiễm môi trường và tạo áp lực lớn về diện tích chôn lấp.

Bảo Bình

 


Ý kiến bạn đọc