Chống rác thải nhựa: Cần có thêm nhiều giải pháp
Theo thông tin từ Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới và tình trạng lạm dụng đồ nhựa dùng một lần vẫn gia tăng mọi nơi. Vì vậy việc hạn chế xả thải rác thải nhựa đang là vấn đề cấp bách hiện nay và cần có những giải pháp cụ thể, quyết liệt.
Trước thực tế đó, đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên quan tâm hơn nữa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động chống rác thải nhựa. Ngay sau đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có những văn bản chỉ đạo về việc triển khai các hoạt động hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh. Điều đó có thể thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ cũng như của tỉnh trong việc hạn chế rác thải nhựa xả thải ra môi trường. Và thực tế là sau những kêu gọi, chỉ đạo trên, nhiều sở, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” một cách sâu rộng, tạo hiệu ứng thiết thực.
Hoạt động đổi rác thải nhựa lấy cây xanh tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: V.Anh |
Tuy nhiên có thể thấy rằng những hành động, việc làm đó mới chỉ góp phần hạn chế một phần rất nhỏ so với lượng sản phẩm nhựa dùng một lần xả thải ra môi trường, bởi phần lớn lượng rác thải nhựa xuất phát từ sinh hoạt hằng ngày của người dân thì vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến. Nguyên nhân trước hết là do thói quen sinh hoạt hằng ngày của người dân vẫn “lệ thuộc” rất lớn vào sản phẩm nhựa dùng một lần. Nếu để ý sẽ dễ nhận thấy rằng, mỗi người đi chợ về thường sẽ dùng ít nhất 4 - 5 chiếc túi ni lông để đựng hàng hóa. Thói quen này hình thành từ rất lâu, ở cả người bán lẫn người mua hàng. Và “hỗ trợ” cho thói quen đó là do sản phẩm nhựa dùng một lần hiện nay có giá thành rất rẻ, dễ tìm hơn rất nhiều so với các sản phẩm thay thế khác.
Có thể khẳng định rằng, việc thay đổi một thói quen nào đó của con người là không dễ. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ hơn nữa tác hại mà rác thải nhựa gây ra cho môi trường, cần phải có những biện pháp cụ thể có tính khả thi cao cả trước mắt cũng như lâu dài. Một trong những việc làm cần kíp nhất hiện nay là hỗ trợ người dân trong việc phân loại rác tại nhà bằng việc trang bị dụng cụ thu gom rác có hai phần rõ rệt là rác thải hữu cơ và rác thải nhựa. Bởi thực tế có nhiều người muốn tự giác phân loại rác tại nhà nhưng không biết để chúng ở đâu. Xa hơn một chút là có lộ trình hạn chế dần việc sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần thông qua công cụ thuế. Cùng với đó là có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh để hạ giá thành, giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn với sản phẩm thân thiện với môi trường.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc