Multimedia Đọc Báo in

Một chấm đỏ trên vùng biên xanh

15:53, 09/01/2011

Năm 1991, sau khi tốt nghiệp THPT, Phạm Quốc Tuấn rời vùng quê Hà Tĩnh vào huyện Krông Bông để tìm việc làm. Đầu năm 1993, Tuấn viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự và trúng tuyển vào lực lượng Bộ đội Biên phòng Dak Lak. Xong khóa huấn luyện, anh được điều về công tác ở đồn Po Heng (747) của tỉnh. Hai năm sau, vào tháng 8-1996, Tuấn lại được cử đi đào tạo lớp A trưởng tại Tam Đảo (Phú Thọ), rồi học tiếp trung cấp để nâng cao nghiệp vụ về công tác Biên phòng tại Bà Rịa - Vũng Tàu (2002 – 2004).  Sau khi tốt nghiệp, Tuấn được điều về đội công tác trinh sát của Đồn Biên phòng Sêrêpôk. Cuối năm 2006, trung úy Phạm Quốc Tuấn lại được điều động về đội công tác vận động quần chúng của đơn vị.

Trung úy, quân nhân chuyên nghiệp Phạm Quốc Tuấn. Nhân viên đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Sêrêpôk (743).
Trung úy, quân nhân chuyên nghiệp Phạm Quốc Tuấn. Nhân viên đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Sêrêpôk (743).
Những ngày đầu nhận nhiệm vụ mới, Tuấn tưởng nhiệm vụ vận động quần chúng cũng nhẹ nhàng, đơn giản, nhưng thực chất đi sâu vào công việc mới thấy hết khó khăn của nó bởi tuổi đời và kinh nghiệm công tác của anh còn ít trong khi kiến thức học ở trường thì khác xa với thực tế. Bao câu hỏi, hình ảnh của công việc ở địa bàn cứ hiện lên, day dứt, khiến Tuấn nhiều đêm mất ăn, mất ngủ. Anh băn khoăn, mình chưa am hiểu về phong tục tập quán và ngôn ngữ của đồng bào ở đây. Kẻ xấu và bọn phản động Fulrô Đề Ga đang từng ngày lợi dụng, tuyên truyền nói xấu chế độ, kích động, chia rẽ sự đoàn kết các dân tộc, làm cho tình hình an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trở nên thêm phức tạp… Chẳng lẽ mình lại thoái thác nhiệm vụ, hay xin chuyển làm một công tác khác cho phù hợp?. Thôi thì cứ làm đi rồi mới biết, mới rút ra được kinh nghiệm và tìm ra được phương pháp đúng để giải quyết từng vấn đề cho khoa học, Tuấn tự động viên mình như thế và bắt đầu tự học tiếng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Tuấn đã nói thông thạo ba thứ tiếng Lào, Êđê và M’nông. Thường xuyên bám địa bàn và gần gũi với người dân nên anh đã mau chóng hiểu được phong tục tập quán của đồng bào và thấy được một trong những căn nguyên của sự đói nghèo ở đây do đồng bào chưa từ bỏ được những hủ tục lạc hậu. Đến giờ Tuấn còn nhớ như in vào mùa khô năm nào, đứa con gái của ông Y Kré, ở buôn Drang Phốk, xã Krông Na (Buôn Đôn) bị sốt siêu vi âm ỉ cả tuần mà gia đình vẫn không buồn đưa đi bệnh viện, lại còn tổ chức mổ heo, giết gà, mua rượu cần,  mời thầy mo đến nhà cúng bái để xua đuổi con ma. Tuấn đã cùng anh em quân y của đơn vị giải thích và vận động gia đình đưa con đến bệnh viện khám chữa kịp thời.

Hết hủ tục ma chay cúng bái, lại đến nạn du canh du cư. Một số người dân trên địa bàn vẫn cố tình lén lút vào cánh rừng phòng hộ Ea Ma chặt phá cây, đốt rừng để mở rẫy mới. Nhận được tin, Tuấn đã lần tìm đến tận từng gia đình gặp gỡ, vận động người dân đồng thời tham mưu kịp thời cho chính quyền địa phương có biện pháp giáo dục, phân tích cho người dân hiểu rằng phá rừng làm rẫy là vi phạm pháp luật, nguy hại hơn nữa là sẽ làm cho nguồn nước đầu nguồn bị cạn kiệt, không ngăn cản được nước lũ dẫn đến hậu quả trôi nhà cửa, chết người… Nhờ được Tuấn vận động, giải thích có lý có tình nên ông Y Lanh và một số hộ gia đình khác trong buôn không còn phá rừng làm rẫy.

Tính chất của công việc cứ lặng lẽ diễn ra theo thời gian khác nhau khiến Tuấn và đồng đội phải đua với thời gian để giải quyết các sự vụ liên tục xảy ra trên địa bàn. Như vụ Phùng Phâu, người dân tộc Dao sử dụng súng trái phép, săn bắn động vật hoang dã. Để tuyên truyền cho Phùng Phâu tự giác mang súng ra nộp quả là một điều không dễ. Nhiều lần đến nhà Phùng Phâu mà không gặp, anh  phải tìm đến nhà rẫy. Gặp được Phùng Phâu, Tuấn nói luôn vào vấn đề: “Tôi biết hiện Phùng Phâu có khẩu súng cạc-bin, đề nghị Phùng Phâu đem mang giao nộp cho bộ đội biên phòng đi”. Vừa nghe nói đến súng, vợ chồng Phùng Phâu giật nảy người, nhưng rồi Phùng Phâu nhanh chóng lấy lại bình tĩnh: “Trước đây mình có súng, nhưng giấu trong rừng lâu ngày người ta lấy mất lâu rồi”. “Phùng Phâu đừng quanh co nữa. Phùng Phâu sử dụng súng như thế là vi phạm pháp luật rồi! Nếu Phùng Phâu tự giác mang súng ra nộp thì còn được khen thưởng, nếu cố tình thì mình sẽ có người làm chứng và sẽ lập biên bản thôi”. Nghe vậy, Phùng Phâu rất sợ và hứa nộp súng cho bộ đội. Trường hợp Y Thoan  ở buôn Drang Phốk cũng tương tự: Y Thoan có khẩu súng klíp, mỗi khi đi săn về, Y Thoan thường cất giấu trong rừng. Nghe được tin, Tuấn phải cất công lội rừng, mất nhiều thời gian mới tìm gặp được Y Thoan. Qua kiên trì, đấu tranh, thuyết phục rồi cũng đạt được kết quả.

Tuấn cho rằng, mọi nguyên nhân đều xuất phát từ cái nghèo, cái đói. Nhưng nếu họ cứ mãi duy trì tập quán cũ thì làm sao mà thoát đói, giảm được nghèo? Tuấn nghĩ:  Phải làm thí điểm một mô hình gì đó có hiệu quả để cho bà con nhân dân ở đây học tập và chuyển đổi nhận thức phần nào. Vậy là mô hình trồng bắp sớm được thực hiện. Tuấn chọn mảnh vườn đất sỏi bạc màu của nhà Y Thanh Byă ở buôn Ea Ma để làm điểm. Anh đã trực tiếp hướng dẫn vợ chồng Y Thanh chủ động dọn cỏ, xới đất cho kịp thời gian trước mùa mưa đến; vay mượn tiền giúp mua bắp giống và đậu đỗ các loại. Chỉ sau 3 tháng, vườn bắp của nhà Y Thanh Byă tốt lút cả đầu người, trái bắp nào cũng “mập ú như bắp tay người lớn”. Được mùa bắp, vợ chồng Y Thanh Byă rất vui, vui vì nếu bán một trái bắp vào mùa chính vụ thì chỉ được năm trăm đến một ngàn đồng, còn trái vụ thì giá có khi lên tới trên hai ngàn đồng một trái. Sang vụ bắp thứ hai, mọi người trong buôn Ea Ma đã chủ động dọn vườn, làm chuồng nhốt trâu, bò, heo gà và đua nhau trồng tỉa bắp sớm.

Triển khai xong mô hình, Tuấn lại được đơn vị giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia thực hiện cuộc vận động xây dựng “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”. Tuấn cùng anh em trong đội công tác tổ chức khảo sát bằng cách thông qua các sổ hộ nghèo trên địa bàn; xem xét những hộ có thu nhập thấp, không có trâu bò, không có ruộng đất sản xuất; tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức cho từng thôn, buôn họp bình xét… Đối với những gia đình neo đơn không có người phụ giúp, Tuấn phải cùng anh em trong đội bỏ nhiều ngày công để san lấp, đắp nền giúp đỡ bà con giảm bớt phần nào chi phí. Một số hộ thậm chí còn ỷ lại việc làm nhà cho bộ đội biên phòng. Tuấn lại phải giải thích cho người dân hiểu: Bộ đội Biên phòng đã phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc tỉnh đứng ra chủ trì, vận động, quyên góp, giúp đỡ bà con về tiền bạc; còn việc làm nhà thì gia đình phải chủ động đứng ra làm. Cứ như vậy, đến nay, 17 nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” và 11 ngôi nhà “Nghĩa tình Trường Sơn” với tổng số tiền trị giá trên 525 triệu đồng đã được hoàn thành.

Trước tình trạng người dân trên địa bàn gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, hằng ngày nhiều gia đình phải đi chở nước từ hồ nước trong khu du lịch sinh thái cách đó gần 5 km để lấy nước sinh hoạt, những gia đình không có phương tiện thì phải dùng nguồn nước hồ ngay tại buôn rất mất vệ sinh gây ra các bệnh dịch tiêu chảy, đau mắt đỏ…, Tuấn cứ ao ước người dân ở đây có được một cái giếng khoan để lấy nước sinh hoạt. Rồi mơ ước ấy cũng có dịp thành hiện thực. Khi đoàn đại diện của Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Biên phòng đi thẩm định việc xây dựng “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” đợt hai, Tuấn đã đề xuất hỗ trợ 50 triệu đồng để khoan giếng lấy nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân trong buôn. Có kinh phí rồi nhưng lại khó khăn về vị trí khoan giếng, Tuấn và buôn trưởng cùng đến vận động vợ chồng ông Y Khanh Rya hiến một mảnh đất để khoan giếng nước. Sau nhiều lần được thuyết phục, vận động, vợ chồng Y Khanh Rya đã hiến cho buôn 36 m2 đất để khoan giếng nước. Sau một thời gian ngắn thi công, công trình giếng nước dân sinh đã hoàn thành, được lắp đặt một hệ thống máy bơm nước và một bồn chứa nước với dung tích 3m3.

Công tác vận động quần chúng cứ cuốn trung úy Phạm Quốc Tuấn đi biền biệt. Thật may mắn là anh có gia đình làm hậu phương vững chắc, luôn thông cảm, động viên anh cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Hình ảnh người chiến sĩ luôn hết mình vì công việc ấy giống như một chiếc lá đỏ tươi thắm thiết cháy hết mình giữa rừng biên giới!

Lê Huy Thành

 


Ý kiến bạn đọc