Multimedia Đọc Báo in

Người trưởng thôn làm theo gương Bác

09:29, 13/05/2011

Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, anh Lê Văn Nhép Trưởng thôn 6, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông đã có những việc làm thiết thực, nhận được sự tin yêu, tín nhiệm của đông đảo bà con trong thôn. Suy nghĩ của anh học theo gương Bác Hồ là phải gần gũi, lắng nghe và chia sẻ khó khăn với dân, việc gì có lợi cho dân mà đúng pháp luật thì phải quyết tâm làm bằng được. Là cán bộ thôn, anh đã phối hợp với các đoàn thể, MTTQ thôn tổ chức sinh hoạt, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực vận động bà con đoàn kết xây dựng đời sống mới và phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Anh luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế để thoát nghèo, tăng thu nhập cho bà con. Xuất phát từ đó, anh đã vận động bà con phát triển mô hình V-A-C, đưa những loại cây trồng, con giống mới, năng suất cao vào sản xuất. Bản thân anh đã mạnh dạn đi đầu trong việc tham gia chương trình cải tạo đàn bò theo hướng bò lai zêbu.

Anh Nhép với cây cầu xóm Rập đã được sửa chữa kiên cố, rộng rãi hơn.
Anh Nhép với cây cầu xóm Rập đã được sửa chữa kiên cố, rộng rãi hơn.
Hơn 1 năm áp dụng chăn nuôi bò ở gia đình mình, thấy mang lại giá trị kinh tế cao, anh khuyến khích bà con tham gia chương trình để cải thiện tăng thu nhập. Đến nay, 90% hộ dân trong thôn đã làm theo và mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đáng kể nhất, chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, anh Nhép đã vận động người dân trong thôn góp tiền, công sức xây mới hai cây cầu đi qua cánh đồng Bầu 2 và cầu Rập. Trước thực tế, ngày ngày, người dân thôn 6 phải vất vả lội qua suối mới đến được cánh đồng Bầu 2 để sản xuất, các em học sinh cũng lội suối đến trường... anh Nhép đã tham mưu cho chính quyền địa phương xây mới một cây cầu bắc qua đoạn suối này. Anh vận động hơn 170 hộ dân trong thôn góp công sức, tiền của làm cầu. Để tiết kiệm chi phí, anh Nhép đã phải lặn lội tìm mua 2 thanh giầm sắt của xe tải đã qua sử dụng, mang về làm dầm cầu, ngoài ra, anh còn đi xin ván cũ về làm mặt cầu…  Sau hai tháng triển khai thi công, cây cầu mới kiên cố, trị giá 30 triệu đồng (trong đó, ngân sách xã hỗ trợ 2 triệu đồng) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, bà con ai cũng phấn khởi vì đường sá thông thương, không còn nỗi lo nước lớn vào mỗi mùa mưa. Người dân có thể chạy xe công nông qua cầu đến thẳng tận cánh đồng để vận chuyển lúa, hoa màu về nhà. Nhưng vui nhất có lẽ là các em học sinh trong thôn, có cầu rồi, hết cảnh phải lội suối đến trường, vào mùa mưa lũ có khi còn nguy hiểm đến tính mạng. Năm 2009 cây cầu xóm Rập nối liền tổ 2 của thôn đến trung tâm xã bị hư hỏng nặng, nhất là vào mùa mưa, nước chảy xiết, đi lại rất nguy hiểm. Ý kiến làm cầu của anh một lần nữa được đưa ra trong buổi họp dân và được bà con rất ủng hộ, tự nguyện đóng góp tiền để sửa chữa cầu. Do nguồn vốn có hạn, anh lại đi khắp các huyện, tìm mua cho bằng được chiếc giầm xe cũ về tận dụng  làm dầm cầu. Nhờ sự đồng lòng của bà con, không quản công sức, cây cầu được sửa chữa kiên cố, mặt cầu rộng, bằng phẳng mà chi phí chỉ khoảng 10 triệu đồng, trong đó, UBND xã hỗ trợ 2 triệu đồng. Người dân thôn 6 ai cũng vui mừng vì việc sản xuất và vận chuyển hoa màu dễ dàng hơn, con em trong thôn đi học không lo bị nước cuốn trôi. Không chỉ vậy, anh Nhép còn được mọi người tin yêu vì những tình cảm và sự quan tâm của anh vào việc học hành của con em các hộ trong thôn, anh thường đến từng nhà để vận động bà con cho con em đi học đúng tuổi và tiêm phòng bệnh đầy đủ. Hiện, trong thôn không có học sinh bỏ học. Đặc biệt, thôn 6 có 28 em đang học các trường đại học, trong đó có 20 em DTTS; 22 em đang học trung cấp chuyên nghiệp; tỷ lệ các em nhỏ được tiêm phòng đạt 100%; số hộ nghèo trong thôn cũng giảm đáng kể từ 64 hộ xuống còn 38 hộ.

Với những đóng góp của mình, cuối năm năm 2010, anh Nhép vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Đã có thành tích trong thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 

Đỗ Thái

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.