Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực vì mục tiêu giảm tai nạn giao thông

10:14, 04/05/2014
HTX Quyết Thắng đóng chân trên địa bàn xã Ea Kly, huyện Krông Pak, cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột khoảng 50 km.  Đơn vị hiện có 79 đầu xe, trong đó có 15 xe khách, 52 xe buýt, 12 taxi, khai thác 3 tuyến liên tỉnh, chủ yếu từ Dak Lak đi TP.Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Tĩnh, 1 tuyến cố định nội tỉnh M’Drak – Buôn Ma Thuột và 7 tuyến xe buýt nội tỉnh.
Xe buýt chất lượng cao của HTX Quyết Thắng.
Xe buýt chất lượng cao của HTX Quyết Thắng.

Trong quá trình hoạt động, đơn vị luôn chấp hành tốt các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước và nộp thuế đầy đủ; đặc biệt đây là đơn vị dẫn đầu trong thực hiện mô hình xã hội hóa vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Không dừng lại ở đó, từ tháng 5-2010, đơn vị còn tiên phong đưa xe buýt chất lượng cao vào hoạt động với phương châm “an toàn, nhanh chóng và thuận lợi”, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân. Cùng với đó, đơn vị thực hiện tốt việc lắp đặt TBGSHT cho phương tiện theo Nghị định số 91/2009/NĐ-CP, ngày 21-10-2009 của Chính phủ cho 100% đầu xe của đơn vị. Ông Nguyễn Thành Đức, Chủ nhiệm HTX Quyết Thắng cho biết, không chỉ lắp đầy đủ TBGSHT trên xe mà đơn vị còn thành lập phòng giám sát hành trình để theo dõi, giám sát việc tuân thủ tốc độ lưu hành, các điều kiện bảo đảm ATGT của tài xế và nhân viên phục vụ trên xe để có biện pháp xử lý kịp thời các tình huống xảy ra. Từ cứ liệu trên TBGSHT, nhân viên phòng giám sát sẽ có biện pháp nhắc nhở đối với lái xe vi phạm tốc độ, đón, trả khách không đúng nơi quy định. Nhân viên vi phạm nhiều lần sẽ bị cắt thi đua khen thưởng theo định kỳ hàng quý hoặc xem xét chấm dứt hợp đồng lao động, còn ai làm tốt sẽ được khen thưởng thỏa đáng. Ngoài ra, DN còn chú trọng đến công tác phòng chống cháy nổ (PCCN), theo đó trên mỗi xe của đơn vị đều được trang bị đầy đủ các thiết bị PCCN, tại trụ sở làm việc niêm yết quy định về quy định PCCN cho người lao động thực hiện. Bên cạnh đó, đơn vị còn thành lập đội phòng cháy chữa cháy cơ sở gồm 5 thành viên đã được huấn luyện nghiệp vụ và được cấp giấy chứng nhận, sẵn sàng chuẩn bị phương tiện, lực lượng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy khi có hỏa hoạn xảy ra.

Cũng như hầu hết các DN vận tải trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung hoạt động vận tải ở đơn vị luôn phải đối mặt với những rủi ro, có thể gây hậu quả nghiêm trọng vì một lý do nào đó. Chẳng hạn, hồi tháng 5-2012, xe của đơn vị đã gây tai nạn thảm khốc tại cầu Sêrêpôk (Quốc lộ 14), làm 34 người chết và hư hỏng toàn bộ phương tiện. Đó là bài học đắt giá mà đơn vị phải trả, nhưng từ đó đơn vị đã rút kinh nghiệm, quán triệt đến từng lao động thực hiện nghiêm các quy định về Luật Giao thông đường bộ, với mục tiêu vì sự an toàn của mỗi hành khách và bảo đảm hiệu quả kinh doanh của DN. Những năm qua, đơn vị đã từng bước khẳng định được thương hiệu của mình trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh. Cuối năm 2013, HTX Quyết Thắng vinh dự là 1 trong 10 DN vận tải trong toàn quốc được nhận giải thưởng “Vô lăng vàng” lần thứ I năm 2013 do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức. Đồng thời, 1 tài xế của HXT – tài xế Hồ Sỹ Tuấn là 1 trong 30 tài xế trong toàn quốc được nhận giải thưởng này. 

Các tiêu chí bình xét giải “Vô lăng vàng” lần thứ I năm 2013
 
Đối với tài xế: Không để xảy ra TNGT trong năm 2013; không vi phạm Luật Giao thông đường bộ; có nghĩa cử và hành động đặc biệt trong công tác bảo đảm TTATGT như tham gia cứu người bị TNGT, giúp đỡ hành khách trong các trường hợp đặc biệt…, số km di chuyển tối thiểu trong 1 năm là 26.400km.
 
Đối với các DN, HTX vận tải: Số lượng xe của DN có ít nhất 20 xe; 50% lái xe của DN được ký hợp đồng trên 1 năm; trong năm đơn vị không có xe để xảy ra tai nạn nghiêm trọng; 100% số xe của đơn vị lắp đặt, khai thác hiệu quả thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT); có bộ phận theo dõi công tác ATGT, thường xuyên kiểm tra giám sát hành trình của lái xe khi làm nhiệm vụ, thực hiện các nội quy, quy chế của đơn vị.
 
Hoàng Tuyết
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.