Thực hiện chủ đề Năm An toàn giao thông 2019: Vì sự an toàn cho người đi mô tô, xe máy (Kỳ 1)
Mô tô, xe máy là phương tiện tham gia giao thông chủ yếu trên các tuyến giao thông. Do đó hằng năm tỷ lệ người điểu khiển phương tiện này gây ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) chiếm khá cao, phần lớn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của người cầm lái.
Kỳ 1: Tai nạn liên quan đến xe máy: Hậu quả khôn lường
Khi xảy ra những vụ TNGT từ nghiêm trọng trở lên, người ta thường nghĩ đến phương tiện gây ra là ô tô. Tuy nhiên, thực tế không ít vụ TNGT nghiêm trọng do người điều khiển mô tô, xe máy, để lại hậu quả khôn lường.
Từ lỗi vi phạm thông thường
Theo nhận định của cơ quan chức năng, mô tô, xe máy là một trong những phương tiện gây tai nạn hàng đầu trong các loại xe cơ giới đường bộ. Các nguyên nhân dẫn tới tai nạn do phương tiện này gây ra tưởng chừng rất đơn giản, nhưng hậu quả để lại không hề nhỏ. Một số lỗi thông thường người điều khiển mô tô, xe máy thường mắc phải như: không đội mũ bảo hiểm; đi sai làn đường, phần đường; không làm chủ tốc độ…
Một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường liên thôn xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột). |
Đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm, tuy không phải là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, song đây lại là một trong những yếu tố dẫn tới tỷ lệ thương vong cao nhất khi người điều khiển phương tiện bị tai nạn hoặc va chạm giao thông. Trong khi đó, hành vi người điều khiển phương tiện đi sai làn đường, phần đường lại là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNGT trong những năm qua. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), 9 tháng năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 263 vụ TNGT, làm chết 161 người, bị thương 204 người. Trong đó, có tới 25,8% là do người điều khiển phương tiện đi không đúng làn đường, phần đường. Thượng tá Nguyễn Quang Vịnh, Trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết, đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ TNGT ở Đắk Lắk hiện nay.
Tính đến cuối tháng 8-2019, Đắk Lắk có trên 1.255.000 mô tô, xe máy. Hằng tháng, số lượng mô tô, xe máy đăng ký mới đều tăng lên rất nhiều, đơn cử như tháng 8-2019 có 6.219 chiếc, tháng 7 có 5.354 chiếc… |
Tại Điều 9, Luật Giao thông đường bộ quy định: “Người tham giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ”. Như vậy, việc người tham gia giao thông phải đi đúng làn đường, phần đường là quy tắc quan trọng thứ hai sau quy định phải đi bên phải theo chiều đi của mình. Nếu như không chấp hành quy tắc giao thông đường bộ này, sẽ dẫn tới gây mất an toàn giao thông cho người khác. Bởi khi người điều khiển phương tiện đi vào làn đường, phần đường của phương tiện khác sẽ gây ra tình huống nguy hiểm trên đường và có thể xảy ra TNGT bất cứ lúc nào, nguy cơ tử vong cũng rất cao đối với các vụ TNGT.
Đến những vụ tai nạn thương tâm
Mỗi vụ tai nạn, va chạm giao thông xảy ra đều để lại hậu quả khôn lường, nặng có thể gây tử vong, thương tật, nhẹ cũng hư hỏng phương tiện, mất mát tiền bạc. Còn nhớ vụ TNGT xảy ra vào sáng 17-12-2016, trên đường Võ Văn Kiệt (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) giữa 2 xe máy, khiến ông N.V.H (ngụ phường Khánh Xuân) tử vong trên đường đi cấp cứu, còn vợ ông cũng bị chấn thương sọ não, mất khả năng lao động từ đó đến nay, nguyên nhân được xác định do người điều khiển phương tiện sang đường không chú ý quan sát và chạy quá tốc độ cho phép. Hay như vụ tai nạn mới xảy ra đầu tháng 9 năm nay trên Tỉnh lộ 5 (đoạn qua xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột), xe máy BKS: 47T1-185.37 và xe máy BKS: 47S1-117.73 tông vào nhau khiến hai người điều khiển xe tử vong tại chỗ, hai người khác bị thương.
Biển gộp làn đường theo phương tiện trên đường Nguyễn Tất Thành (TP. Buôn Ma Thuột). |
Còn vụ va chạm giao thông giữa xe máy BKS: 47T1-138.95 với xe máy BKS: 47H6-3410 trên đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột) vào giữa tháng 8 năm 2019, tuy không dẫn đến tử vong nhưng người gây tai nạn phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ lo cho người bị nạn. Được biết, ngoài chi phí chữa trị tại bệnh viện, người gây tai nạn còn phải bồi thường phục hồi sức khỏe cho người bị nạn với số tiền hơn 100 triệu đồng.
Những năm gần đây, trong tổng số vụ tai nạn, va chạm giao thông xảy ra, số vụ do xe mô tô, xe gắn máy gây ra thường chiếm từ 50 - 70%. Chẳng hạn như 9 tháng năm nay, trên địa bàn tỉnh có 152 vụ tai nạn, va chạm giao thông do người điều khiển mô tô, xe gắn máy gây ra, chiếm 57,9%. Một thống kê khác cũng cho thấy, người điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm pháp luật về trật tự ATGT chiếm tỷ lệ rất cao, cụ thể 9 tháng năm nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã lập biên bản 54.188 trường hợp người điều khiển phương tiện này vi phạm (chiếm 83,5%).
(Còn nữa)
Kỳ 2: Đồng hành với công tác bảo đảm an toàn giao thông
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc