Multimedia Đọc Báo in

Tổng kiểm tra phương tiện giao thông cơ giới đường bộ: Vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn tăng, vì sao?

08:25, 09/06/2020

Sau hơn nửa tháng triển khai thực hiện đợt cao điểm tổng kiểm tra phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đến nay lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) vẫn còn cao, tai nạn giao thông (TNGT) chưa được kiềm chế triệt để.

Lực lượng CSGT tỉnh kiểm tra nồng độ người điều khiển phương tiện ô tô trên đường Hồ Chí Minh  (đoạn qua địa bàn thị xã Buôn Hồ).
Lực lượng CSGT tỉnh kiểm tra nồng độ người điều khiển phương tiện ô tô trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn thị xã Buôn Hồ).

Theo kế hoạch, trong vòng 1 tháng (từ ngày 15-5 đến 14-6), lực lượng CSGT toàn tỉnh thực hiện tổng kiểm tra đối với ô tô chở khách, ô tô vận tải, container và mô tô, xe gắn máy. Trong đó, tập trung xử lý các hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến TNGT như: sử dụng rượu, bia và ma túy đối với điều khiển phương tiện giao thông; chạy quá tốc độ cho phép; đi sai làn đường, phần đường; phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn đua xe trái phép và tổ chức đua xe trái phép; đồng thời, sử dụng hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm qua hình ảnh...

Mục đích chính của đợt tổng kiểm tra phương tiện lần này là chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về TTATGT, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt. Kế hoạch tổng kiểm soát được Phòng CSGT phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền công khai hoặc thông tin bằng hệ thống đèn led ngay tại trụ sở đơn vị để nhân dân biết và thực hiện nghiêm.

Nét mới trong đợt cao điểm lần này là người dân có quyền giám sát quy trình tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, người giám sát phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật đã được quy định tại Điều 10, Thông tư 67/2019/TT-BCA, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực hiện nhiệm vụ và tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Vịnh, Trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh), để đạt hiệu quả cao trong đợt cao điểm, Phòng CSGT cũng như công an các đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc. Lực lượng CSGT toàn tỉnh huy động tối đa lực lượng và phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, tăng cường tuần tra, kiểm soát liên tục 24/24 giờ nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, góp phần kiềm giảm TNGT. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng CSGT luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định, quy trình công tác, điều lệnh Công an nhân dân, văn hóa ứng xử khi tiếp xúc, giải quyết công việc với nhân dân; bảo đảm tuyệt đối an toàn khi thực hiện nhiệm vụ, không để xảy ra sai sót, tiêu cực…

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT toàn tỉnh cũng thường xuyên phối hợp các đơn vị, đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường trọng điểm, khu vực công cộng nhằm tuyên truyền các quy định của Luật Giao thông đường bộ, các nghị định, thông tư hướng dẫn và công tác bảo đảm TTATGT, nhất là tác hại của rượu, bia, các chất kích thích đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Người điều khiển phương tiện giao thông trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột bị lực lượng CSGT lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.
Người điều khiển phương tiện giao thông trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột bị lực lượng CSGT lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.
 

Để bảo đảm TTATGT ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng thì người dân khi tham gia giao thông cần chấp hành tốt các quy định của pháp luật, ứng xử văn hóa, văn minh. Đặc biệt là không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác, chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, tiếp tục ủng hộ lực lượng CSGT thực hiện nhiệm vụ, góp phần kéo giảm TNGT trên địa bàn”.

 
Thượng tá Nguyễn Quang Vịnh, Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh

Tuy nhiên, sau hơn nửa tháng ra quân cao điểm, mặc dù lực lượng chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về TTATGT nhưng tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn diễn ra khá phổ biến.

Từ ngày 15-5 đến nay, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 2.882 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ (tăng 208 trường hợp so với thời gian trước liền kề); tạm giữ 789 phương tiện giao thông cơ giới các loại; tước Giấy phép lái xe có thời hạn 234 trường hợp; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2.485 trường hợp; thu nộp Kho bạc Nhà nước trên 2,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, có 283 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 310 trường hợp vi phạm quy định về việc không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy; 40 trường hợp chở hàng quá tải trọng cho phép…

Cũng trong thời gian này, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ TNGT đường bộ, làm chết 8 người, bị thương 12 người, hư hỏng 21 phương tiện giao thông các loại. So với thời gian trước liền kề, TNGT tăng 6 vụ, tăng 1 người chết và tăng 8 người bị thương...

Có thể thấy rằng, việc kiềm chế, kéo giảm số vụ vi phạm TTATGT và TNGT là vấn đề hết sức nan giải, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.