Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về vận động bầu cử đại biểu HĐND

10:46, 06/05/2011

Hỏi: Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân có được vận động bầu cử hay không? Nếu có thì vận động theo hình thức nào? - Lê Công Hội (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột)

Đáp: Căn cứ theo quy định tại Điều 46 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì người có tên trong danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đã được công bố có quyền vận động bầu cử thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật để báo cáo với cử tri dự kiến việc thực hiện trách nhiệm của người đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân.
Việc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.
Việc vận động bầu cử được tiến hành dưới các hình thức sau đây:
- Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương tổ chức;
- Gặp gỡ, tiếp xúc cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác;
- Trả lời phỏng vấn trên báo chí, phát thanh, truyền hình địa phương.

Hỏi: Xin cho biết về các nguyên tắc và nội dung vận động bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân? - Trần Văn Lập (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột)

Đáp: Căn cứ theo Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì khi vận động bầu cử phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
1.Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương nào thực hiện quyền vận động bầu cử trong phạm vi địa phương đó.
2.Việc vận động bầu cử được tiến hành công khai, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phải kết thúc trước khi bắt đầu cuộc bỏ phiếu hai mươi bốn giờ.
3.Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân không được lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền những quan điểm trái với Hiến pháp, pháp luật hoặc làm tổn hại đến uy tín, danh dự và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
4.Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân không được sử dụng tiền, phương tiện vật chất khác của Nhà nước, tập thể và cá nhân để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
5.Cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân không được lợi dụng vận động bầu cử để quyên góp tiền, phương tiện vật chất hoặc kêu gọi tài trợ để phục vụ cho việc vận động bầu cử.
Nội dung vận động bầu cử của người ứng cử bao gồm:
- Trình bày dự kiến chương trình hoạt động của mình nếu được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân;
- Trao đổi với cử tri những vấn đề cùng quan tâm;
- Trả lời các câu hỏi của cử tri.

LS Lưu Thị Thu Hiền
(Văn phòng Luật sư Hiền và Liên danh)

 


Ý kiến bạn đọc