Multimedia Đọc Báo in

Luật phổ biến, giáo dục pháp luật

10:33, 10/11/2013

CHƯƠNG II: NỘI DUNG, HÌNH THỨC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Mục 3: Giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân

Điều 23. Nội dung giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân

1. Nội dung giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được xây dựng phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo, phù hợp với mục tiêu giáo dục, ngành nghề đào tạo, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phổ thông, cơ bản, thiết thực và có hệ thống.

2. Nội dung giáo dục pháp luật đối với từng cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân được quy định như sau:

a) Nội dung giáo dục pháp luật tronga chương trình giáo dục mầm non và tiểu học được lồng ghép thông qua nội dung giáo dục đạo đức, hình thành thói quen phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội, ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, tinh thần tự giác, tạo tiền đề hình thành ý thức pháp luật;

b) Nội dung giáo dục pháp luật trong chương trình giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông trang bị kiến thức ban đầu về quyền, nghĩa vụ của công dân, rèn luyện thói quen, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật;

c) Nội dung giáo dục pháp luật trong chương trình giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trang bị kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật, kiến thức pháp luật liên quan đến ngành, nghề đào tạo.

Điều 24. Hình thức giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân

1. Giáo dục chính khóa thông qua việc lồng ghép trong các hoạt động giáo dục ở cấp mầm non; môn học đạo đức ở cấp tiểu học; môn học giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông; môn học pháp luật, pháp luật đại cương, pháp luật chuyên ngành tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học; các môn học trong cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Giáo dục ngoại khóa và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

CHƯƠNG III: TRÁCH NHIỆM PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Mục 1: Trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, tổ chức

Điều 25. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền chương trình, đề án, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật và chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý triển khai thực hiện;

b) Xác định nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng; biên soạn tài liệu và phổ biến kiến thức pháp luật chuyên ngành; bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của nhân dân;

c) Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân thuộc phạm vi quản lý, chú trọng thực hiện thông qua phổ biến pháp luật trực tiếp, cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, trang thông tin điện tử của cơ quan, các khóa học, lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn;

d) Xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật của bộ, ngành;

đ) Chỉ đạo các trường, cơ sở dạy nghề thuộc phạm vi quản lý tổ chức giáo dục pháp luật trong cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề; bố trí, chuẩn hóa, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục pháp luật trong các cấp học và trình độ đào tạo; quy định thời gian, lộ trình hoàn thành việc chuẩn hóa giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật.

3. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở dạy nghề.

Điều 26. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Kiểm toán Nhà nước

1. Xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật của ngành.

2. Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý; phổ biến kiến thức pháp luật chuyên ngành cho nhân dân bằng hình thức phù hợp.

3. Kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân thông qua hoạt động chuyên môn.

Điều 27. Trách nhiệm của chính quyền các cấp ở địa phương

1. Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:

a) Quyết định các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phân bổ dự toán ngân sách địa phương cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;

b) Giám sát việc thực hiện pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền chương trình, kế hoạch, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai và kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;

c) Xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng, quản lý đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật theo quy định của pháp luật;

d) Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

Điều 28. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức

1. Phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý, chú trọng thực hiện thông qua phổ biến pháp luật trực tiếp, đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử, báo, bản tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị (nếu có); kết hợp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động chuyên môn.

2. Bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc định kỳ mời báo cáo viên tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

3. Phối hợp với cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.

Điều 29. Trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận

1. Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, đoàn viên của tổ chức mình; vận động nhân dân chấp hành pháp luật.

2. Phối hợp với cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.

3. Xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật của tổ chức mình.

4. Vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia và hỗ trợ hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật.

5. Tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.

Điều 30. Trách nhiệm của tổ chức hành nghề về pháp luật, tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật, cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp

1. Tổ chức hành nghề về pháp luật, tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật, cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp có trách nhiệm tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân; tổ chức phổ biến giáo dục, pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động chuyên môn; tạo điều kiện cho thành viên của tổ chức, công chức, viên chức, giảng viên, học viên, sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện phổ biến, giáo dục pháp luật.

2. Cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp có trách nhiệm tham gia bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Điều 31. Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân

1. Căn cứ vào nội dung, hình thức giáo dục pháp luật ở từng cấp học và trình độ đào tạo, các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm tổ chức thực hiện giáo dục pháp luật, bố trí giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật theo quy định của pháp luật.

2. Phối hợp với gia đình và xã hội thực hiện mục tiêu giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

Điều 32. Trách nhiệm của gia đình

Các thành viên trong gia đình có trách nhiệm gương mẫu chấp hành pháp luật; ông, bà, cha, mẹ có trách nhiệm giáo dục và tạo điều kiện cho con, cháu tìm hiểu, học tập pháp luật, rèn luyện ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật.

(Còn nữa)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​