Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Xuất bản

08:41, 17/11/2013

11. Cơ quan chủ quản nhà xuất bản có những nhiệm vụ và quyền hạn gì?

Cơ quan chủ quản nhà xuất bản có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:

- Bảo đảm các điều kiện về thành lập nhà xuất bản;

- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với chức danh lãnh đạo nhà xuất bản (tổng giám đốc/giám đốc, tổng biên tập) sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông;

- Định hướng kế hoạch xuất bản hàng năm của nhà xuất bản;

- Chỉ đạo việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, phương hướng hoạt động của nhà xuất bản; giám sát nhà xuất bản thực hiện đúng giấy phép thành lập nhà xuất bản.

- Thanh tra, kiểm tra hoạt động của nhà xuất bản theo thẩm quyền;

- Chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của nhà xuất bản trong hoạt động xuất bản theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

12. Để được bổ nhiệm chức danh tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản, cá nhân phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì?

Tiêu chuẩn đối với tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản:

- Là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

- Có trình độ đại học trở lên;

- Có ít nhất 3 năm làm một trong các công việc biên tập, quản lý xuất bản hoặc báo chí, quản lý tại cơ quan chủ quản nhà xuất bản;

- Các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật.

Tiêu chuẩn đối với tổng biên tập nhà xuất bản:

- Có chứng chỉ hành nghề biên tập;

- Có ít nhất 3 năm làm công việc biên tập tại các nhà xuất bản hoặc cơ quan báo chí;

- Các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật.

13. Tiêu chuẩn của biên tập viên là gì?

Đó là các tiêu chuẩn:

- Là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

- Có trình độ đại học trở lên;

- Hoàn thành khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;

- Có chứng chỉ hành nghề biên tập viên do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

14. Quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản được quy định như thế nào?

Việc xuất bản tác phẩm, tài liệu và tái bản xuất bản phẩm chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

15. Luật Xuất bản quy định như thế nào đối với việc xuất bản tài liệu không kinh doanh?

Việc xuất bản tài liệu không kinh doanh mà không thực hiện qua nhà xuất bản thì phải được cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản sau đây cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh: Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức ở trung ương và tổ chức nước ngoài; UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức khác có tư cách pháp nhân, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương của cơ quan, tổ chức ở trung ương.

- Tài liệu không kinh doanh phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép xuất bản.

- Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh lập hồ sơ gửi cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản và nộp phí thẩm định nội dung tài liệu để cấp giấy phép. Hồ sơ bao gồm: đơn đề nghị cấp giấy phép; 03 bản thảo tài liệu (nếu tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch bằng tiếng Việt, nếu tài liệu để xuất bản điện tử thì phải lưu toàn bộ nội dung vào thiết bị số); bản sao có chứng thực giấy phép hoạt động do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với tổ chức nước ngoài.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản phải cấp giấy phép xuất bản, đóng dấu vào 03 bản thảo tài liệu và lưu lại 01 bản, 02 bản trả lại cho tổ chức đề nghị cấp phép; trường hợp không cấp giấy phép thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

- Cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh có trách nhiệm: thực hiện đúng giấy phép xuất bản được cấp; bảo đảm nội dung tài liệu xuất bản đúng với bản thảo tài liệu được cấp giấy phép; thực hiện ghi thông tin trên xuất bản phẩm theo quy định; nộp lưu chiểu tài liệu và nộp cho Thư viện Quốc gia Việt Nam theo quy định; thực hiện việc sửa chữa, đình chỉ phát hành, thu hồi hoặc tiêu hủy đối với tài liệu xuất bản khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tài liệu được xuất bản.

(Còn nữa)

Bùi Thị Trang (Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc