Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Xuất bản

09:36, 22/11/2013

16. Tác phẩm, tài liệu nào phải thẩm định nội dung trước khi tái bản?

Khi có các dấu hiệu vi phạm các quy định về nội dung bị cấm xuất bản thì những tác phẩm, tài liệu sau phải được thẩm định trước khi đăng ký xuất bản để tái bản:

- Tác phẩm, tài liệu xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; tác phẩm, tài liệu xuất bản từ năm 1945 đến năm 1954 trong vùng bị tạm chiếm;

- Tác phẩm, tài liệu xuất bản từ năm 1954 đến ngày 30-4-1975 ở miền Nam Việt Nam không do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cho phép;

- Tác phẩm, tài liệu xuất bản ở nước ngoài.

17. Những thông tin nào phải được ghi trên xuất bản phẩm?

Trên xuất bản phẩm dưới dạng sách phải ghi những thông tin sau:

- Tên sách, tên tác giả hoặc người biên soạn, người chủ biên (nếu có), họ tên người dịch (nếu là sách dịch), người phiên âm (nếu là sách phiên âm từ chữ Nôm); tên nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản;

- Tên và địa chỉ của tổ chức, họ tên cá nhân liên kết xuất bản (nếu có); họ tên người hiệu đính (nếu có); năm xuất bản, số thứ tự của tập; đối với sách dịch, phải ghi tên nguyên bản; nếu dịch từ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ nguyên bản thì phải ghi rõ dịch từ ngôn ngữ nào;

- Họ tên và chức danh của tổng giám đốc (giám đốc) chịu trách nhiệm xuất bản; họ tên và chức danh của tổng biên tập chịu trách nhiệm nội dung; họ tên biên tập viên; khuôn khổ sách, số xác nhận đăng ký xuất bản, số quyết định xuất bản hoặc số giấy phép xuất bản; họ tên người trình bày, minh họa; họ tên người biên tập kỹ thuật, họ tên người sửa bản in; số lượng in; tên và địa chỉ cơ sở in; thời gian nộp lưu chiểu; mã số sách tiêu chuẩn quốc tế (ISBN);

- Đối với sách kinh doanh phải ghi giá bán lẻ; đối với sách do Nhà nước đặt hàng phải ghi là “sách Nhà nước đặt hàng”; đối với sách không kinh doanh phải ghi là “sách không bán”.

Trên xuất bản phẩm không phải là sách phải ghi các thông tin sau:

- Tên xuất bản phẩm; tên nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được phép xuất bản;

- Tên và địa chỉ của tổ chức, họ tên cá nhân liên kết xuất bản (nếu có); số xác nhận đăng ký xuất bản, số quyết định xuất bản hoặc số giấy phép xuất bản; số lượng in, tên và địa chỉ cơ sở in;

- Đối với xuất bản phẩm kinh doanh phải ghi giá bán lẻ; đối với xuất bản phẩm do Nhà nước đặt hàng phải ghi là “xuất bản phẩm Nhà nước đặt hàng”; đối với xuất bản phẩm không kinh doanh phải ghi là “xuất bản phẩm không bán”.

18. Việc quảng cáo trên xuất bản phẩm được quy định như thế nào?

Việc quảng cáo trên xuất bản phẩm được quy định như sau:

- Không được quảng cáo trên bản đồ hành chính;

- Đối với việc quảng cáo trên lịch blốc thì: diện tích dành cho quảng cáo không vượt quá 20% diện tích từng tờ lịch, nội dung và hình ảnh quảng cáo phải phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam và các quy định khác của pháp luật về quảng cáo; không được quảng cáo trên những tờ lịch in ngày Quốc lễ và ngày kỷ niệm lớn của đất nước;

- Các quy định khác của pháp luật về quảng cáo.

19. Để được cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, cơ sở in phải đáp ứng được những điều kiện gì?

Để được cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, cơ sở in phải đáp ứng được những điều kiện sau đây:

- Người đứng đầu cơ sở in phải là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có nghiệp vụ quản lý hoạt động in xuất bản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật;

- Có mặt bằng sản xuất, thiết bị để thực hiện một hoặc các công đoạn chế bản, in và gia công sau in xuất bản phẩm;

- Bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật;

- Phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở in xuất bản phẩm.

20. Trong những trường hợp nào thì cơ sở in sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm?

Giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm sẽ bị thu hồi khi:

- Cơ sở in xuất bản phẩm không đáp ứng đủ các điều kiện về: người đứng đầu; mặt bằng sản xuất; an ninh trật tự, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật;

- Cơ sở in có các thay đổi về: tên gọi, địa chỉ, thành lập chi nhánh, chia tách hoặc sáp nhập mà không làm thủ tục đổi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm.

(Còn nữa)

Bùi Thị Trang (Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​