Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Hợp tác xã năm 2012

07:47, 20/12/2013

6. Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân muốn trở thành thành viên hợp tác xã phải đảm bảo điều kiện gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật, cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân trở thành thành viên hợp tác xã phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam. Đối với hợp tác xã tạo việc làm thì thành viên chỉ là cá nhân;

- Có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã;

- Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã;

- Góp vốn theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật Hợp tác xã (vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã) và điều lệ hợp tác xã;

- Các điều kiện khác theo quy định của điều lệ hợp tác xã.

(Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có thể là thành viên của nhiều hợp tác xã, trừ trường hợp điều lệ hợp tác xã có quy định khác).

7. Hợp tác xã muốn trở thành thành viên của liên hiệp hợp tác xã phải đảm bảo các điều kiện gì?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật, hợp tác xã trở thành thành viên liên hiệp hợp tác xã phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Có nhu cầu hợp tác với các hợp tác xã thành viên và có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của liên hiệp hợp tác xã;

- Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của liên hiệp hợp tác xã;

- Góp vốn theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Hợp tác xã (vốn góp của hợp tác xã thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 30% vốn điều lệ của liên hiệp hợp tác xã) và điều lệ liên hiệp hợp tác xã;

- Điều kiện khác theo quy định của điều lệ liên hiệp hợp tác xã.

(Hợp tác xã có thể là thành viên của nhiều liên hiệp hợp tác xã trừ trường hợp điều lệ liên hiệp hợp tác xã có quy định khác).

8. Trong trường hợp nào thì tư cách thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã chấm dứt?

Theo quy định tại Điều 16 của Luật, tư cách thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã bị chấm dứt khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

- Thành viên là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị kết án phạt tù theo quy định của pháp luật;

- Thành viên là hộ gia đình không có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; thành viên là pháp nhân bị giải thể, phá sản; hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã bị giải thể, phá sản;

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị giải thể, phá sản;

- Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã tự nguyện ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

- Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã bị khai trừ theo quy định của điều lệ;

- Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã không sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 3 năm. Đối với hợp tác xã tạo việc làm, thành viên không làm việc trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 2 năm;

- Tại thời điểm cam kết góp đủ vốn, thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã không góp vốn hoặc góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu quy định trong điều lệ;

- Trường hợp khác do điều lệ quy định.

(Còn nữa)

Hoàng Thị Thanh Tâm (Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​